TÓM TẮT:
Cùng với sự phát triển của công nghệ trên toàn cầu, Luật sư Robot là sản phẩm với sứ mệnh trợ giúp cho lĩnh vực luật học của đời sống. Tuy nhiên, chưa có sự công nhận chính thức nào dành cho Luật sư Robot trong hệ thống pháp luật. Bài nghiên cứu phân tích kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về việc công nhận tư cách pháp luật cho Luật sư Robot. Từ đó, bài nghiên cứu đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện pháp luật về Luật sư Robot ở Việt Nam. Theo đó, Luật sư Robot được công nhận như là một cá nhân trong pháp luật Việt Nam, sẽ có quyền và nghĩa vụ của công dân; cần xác lập Luật sư Robot là một pháp nhân và Luật sư Robot là một tài sản vì chúng được tạo ra bởi trí tuệ của con người.
Từ khóa: trí tuệ nhân tạo, Luật sư Robot, chủ thể pháp lý.
Những thay đổi xảy ra thường xuyên trong thế giới này bởi con người luôn có mưu cầu một cuộc sống ngày mai phải tốt đẹp hơn trong quá khứ. Công nghệ sinh ra như một lẽ tất yếu để đáp ứng cho nhu cầu đó của con người. Sự phát triển của công nghệ đã cải thiện đáng kể môi trường toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của ngành công nghiệp, trong đó có cả ngành luật học. Cùng với bước tiến của cách mạng công nghiệp 4.0, nghề luật đã có bước đi táo bạo bằng cách kết hợp việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo để nâng cao việc thực hành luật, đó được gọi là Luật sư Robot. Luật sư Robot đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam là một quốc gia đang trên đà phát triển kinh tế và đời sống con người, với mong muốn tiến xa hơn nữa trong tương lai, Đảng và Nhà nước chủ trương ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ở trong các ngành nghề quan trọng, bao gồm nghề luật. Luật sư Robot được xem là một trong những thay đổi hàng đầu của ngành tư pháp để hướng tới sự phổ biến, tiện dụng và công bằng để phục vụ cho cuộc sống người dân.
Luật sư Robot sinh ra giống như một người trợ tá cho nghề luật, nó có thể thực hiện các công việc từ cơ bản đến nâng cao mà không tốn nhiều thời gian. Song, chính vì Luật sư Robot vẫn trong giai đoạn đầu của sự phát triển, nên địa vị pháp lý của nó vẫn chưa được công nhận trong hệ thống pháp luật quốc gia trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Chính bởi lẽ đó, tác giả mong muốn bài viết thực hiện mục tiêu đánh giá các quy định của những quốc gia khác nhau trên thế giới về việc công nhận tư cách pháp lý của Luật sư Robot. Từ cơ sở phân tích đó, tác giả đánh giá và đưa ra đề xuất hoàn thiện khung khổ pháp lý cho Luật sư Robot tại Việt Nam sao cho phù hợp với bối cảnh của nước ta ở hiện tại và trong tương lai gần.
Với mục đích đóng góp một phần nhỏ để phát triển cuộc sống xã hội của người Việt, tác giả hy vọng bài viết sẽ đưa ra một góc nhìn mới mẻ vào thực tế để người đọc có cái nhìn tổng quát về một vấn đề mới trong cuộc sống này.
Xét dưới góc độ lĩnh vực chuyên môn, thuật ngữ “Luật sư Robot” chỉ một Robot thực hiện các công việc của luật sư truyền thống. Trong đó, từ “Robot” được bắt nguồn từ từ “Robota” trong tiếng Séc (nghĩa là lao động bắt buộc hoặc nông nô), được sử dụng trong Vở kịch của Karel Capek RUR (1920)[1]. Những người máy trong vở kịch được tạo ra từ con người, bị các chủ nhà máy lợi dụng một cách nhẫn tâm cho đến khi chúng nổi dậy và tiêu diệt loài người. Từ “Robot” xuất hiện lần đầu tiên trong truyện Khoa học viễn tưởng của Isaac Asimove - “Runaround” (1942). Ở trong những câu chuyện của Asimove, tác giả đã đưa ra Ba định luật về Robot. Một là, Robot không được gây thương tích cho con người. Hai là, Robot phải tuân theo mệnh lệnh do con người đưa ra, trừ trường hợp mệnh lệnh đó mâu thuẫn với điều thứ nhất. Ba là, Robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính nó, miễn là sự bảo vệ đó không mâu thuẫn với các điều vừa nêu trên. Sau quá trình phát triển cùng với sự tiến bộ của thời đại, “Robot” trong công nghệ giờ đây được hiểu là một loại máy có thể thực hiện các công việc một cách tự động bằng sự điều khiển của máy tính, hoặc các vi mạch điện tử được lập trình. “Luật sư”[2] là một người được đào tạo và cấp phép để chuẩn bị hồ sơ, tư vấn, quản lý, truy tố hoặc bào chữa cho một vụ kiện tại tòa án với tư cách là người đại diện cho người khác và cũng là người đưa ra lời khuyên về các vấn đề pháp lý theo yêu cầu của khách hàng.
Xét dưới góc độ pháp luật, các quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản… vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo luật về Luật sư Robot, nên vẫn chưa có bất kỳ một khái niệm chính thức nào. Tuy nhiên, trên thực tế, họ đang áp dụng mô hình Luật sư Robot và tiếp cận dưới dạng là việc ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo vào công việc pháp lý, hay còn được gọi là hệ thống hỗ trợ pháp lý dựa trên Trí tuệ nhân tạo. Các nhà nghiên cứu pháp luật Hoa Kỳ chỉ đưa ra định nghĩa về “Trí tuệ nhân tạo” là “khả năng của một cỗ máy bắt chước hành vi thông minh của con người”[3], nó bao gồm việc “nhận dạng giọng nói và chủ thể, đưa ra quyết định dựa trên các dữ liệu và dịch ngôn ngữ”[4] . Từ đó, Trí tuệ nhân tạo trong ngành pháp lý thực hiện các công việc trong phạm vi giới hạn như đánh giá hợp đồng, thẩm định và hỗ trợ pháp lý. Với DoNotPay[5], công ty này cho ra mắt Luật sư Robot đầu tiên trên thế giới, cho rằng Luật sư Robot là “chương trình máy tính sử dụng các thuật toán để tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho khách hàng”[6]. Theo Hội đồng châu Âu EU, ở văn bản thỏa hiện về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo[7], họ định nghĩa Trí tuệ nhân tạo nghĩa là một hệ thống được thiết kế để hoạt động với mức độ tự chủ nhất định và dựa trên máy móc hoặc dữ liệu đầu vào do con người cung cấp và thiết lập nên. Đồng thời, tạo ra các kết quả đầu ra do hệ thống cung cấp như nội dung, dự đoán, đề xuất hoặc quyết định, ảnh hưởng đến môi trường mà hệ thống Trí tuệ nhân tạo tương tác.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng, Luật sư Robot được định nghĩa là Luật sư Robot là Robot có năng lực nắm bắt thái độ của con người, có kiến thức pháp luật được tiếp nạp bằng việc lập trình hoặc tự học để thực hiện công việc pháp lý, đạt tiêu chuẩn công nghệ yêu cầu theo Luật định và đã đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước.
Vào ngày 25/10/2017, Sophia, Robot hình người do Hanson Robotics tạo ra, đã được tuyên bố là công dân chính thức của Ả Rập Xê Út trong Hội nghị Thượng đỉnh về Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở tại quốc gia đó. Tuy nhiên, quyết định này mắc phải nhiều sự phản đối mạnh mẽ từ công dân nước này. Cụ thể, khi xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh pháp lý trong quá trình nhập quốc tịch của Sophia, có thể chỉ ra một số mâu thuẫn với pháp luật hiện hành của Ả Rập Xê Út. Theo luật, một người muốn có quốc tịch Ả Rập phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau: (i) nộp đơn xin tư cách này, (ii) sinh ra trong một gia đình Ả Rập truyền thống, (iii) kết hôn với một công dân Ả Rập, (iv) hoặc có các tiêu chuẩn cần thiết khác như giấy phép cư trú vĩnh viễn, đã định cư hơn 10 năm ở nước sở tại, yêu cầu độ tuổi hợp pháp hoặc khả năng thông thạo ngôn ngữ. Dựa trên những yêu cầu và thủ tục được đề ra bởi Hệ thống Công dân và Quy định Quốc tịch của Ả Rập, Robot Sophia không đáp ứng cũng như không tuân theo các quy định trên và thực tế, Sophia chỉ là một cỗ máy chứ không phải một người có giới tính, đây là lập luận xác đáng để chứng minh nó không được cấp quyền công dân ở Ả Rập[8]. Trái ngược hoàn toàn với quan điểm của dư luận, cơ quan lập pháp của Ả Rập Xê Út đã xác nhận rằng đang mở ra các ngoại lệ cho máy móc và cho phép nó một số quyền tự do nhất định. Mặc dù, Sophia rõ ràng là một cỗ máy, nhưng nếu xem xét giới tính mà nó đại điện, Robot Sophia trông giống phụ nữ, song nó không tuân thủ các chuẩn mực ứng xử mà Ả Rập áp đặt cho phụ nữ hàng ngày, ví dụ Sophia không phải trùm khăn như những quy định bắt buộc dành cho công dân nữ.
Quan điểm của các nhà làm luật giải thích lý do Sophia được cấp quyền công dân Ả Rập Xê Út xuất phát từ góc độ kinh doanh. Trên thực tế, việc trao cho Sophia tư cách công dân có thể được hiểu là một cách tiết kiệm đa dạng hóa thông qua Robot. Do đó, bằng việc làm như vậy, Ả Rập Xê Út tạo dựng được hình ảnh của một đất nước định hướng tương lai, cởi mở, thúc đẩy sự đổi mới của công nghệ. Từ đó, Chương trình Cải cách Tầm nhìn 2030 của Ả Rập là một dấu hiệu tốt cho thấy Chính phủ đang cố gắng cân bằng lập trường tiến bộ theo hướng ủng hộ sự phát triển của AI.
Khi ứng dụng mô hình Luật sư Robot tại Ả Rập, con Robot này được cấp quyền công dân giống như việc Chính phủ đã cấp cho Sophia để nó có thể thực hiện nhiệm vụ pháp lý được giao. Robot sẽ có đầy đủ các quyền cơ bản của con người và quyền công dân khi làm việc trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó, đảm bảo rằng chúng không bị lạm dụng thực hiện các công việc trái pháp luật, phi đạo đức và mục đích nguy hiểm cho xã hội. Điều này tạo cơ hội để Luật sư Robot xác lập tư cách pháp lý trong hệ thống pháp luật, Robot sẽ có quyền và nghĩa vụ giống như con người. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của AI có trách nhiệm, các nhà phát triển Robot sẽ cần phải xem xét đến tác động của công nghệ đối với Robot và đảm bảo rằng Robot được đối xử công bằng. Khi Luật sư Robot là công dân, Robot và con người có thể tăng cường sự hợp tác, trở thành người hỗ trợ giúp đỡ con người trong các vấn đề trong công việc pháp lý mà không bị cản trở bởi bất kỳ một quy định nào.
Năm 2017, Nghị viện châu Âu đưa ra Nghiên cứu dự thảo có tiêu đề “Quy tắc luật dân sự về Robot”, trong đó bổ sung một khía cạnh mới cho các cuộc thảo luận về việc cấp quyền nhân thân cho hệ thống trí tuệ nhân tạo, cụ thể là Robot được cấp một tư cách pháp lý cụ thể. Họ đã khuyến nghị rằng các Robot tự động phức tạp nên được công nhận là “cá nhân điện tử” và phải chịu trách nhiệm sửa chữa mọi hư hỏng mà chúng gây ra. Sau khi đưa ra kiến nghị nêu trên, có rất nhiều lời chỉ trích chống lại đề xuất của Nghị viện châu Âu do nhiều vấn đề kỹ thuật và pháp lý khi công nhận thực thể này. Một nhóm các chuyên gia, chủ yếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Robot, luật… đã gửi một bức thư ngỏ[10] tới Nghị viện châu Âu để chứng minh rằng việc cấp tính cách điện tử cho các thực thể trí tuệ nhân tạo là sai. Từ góc độ kỹ thuật, việc cấp tư cách “cá nhân điện tử” cho Robot này đánh giá cao khả năng thực tế của những Robot tân tiến nhất, nói lên sự hiểu biết hời hợt của các nhà lập pháp về khả năng không thể dự đoán trước, khả năng tự học cũng như nhận thức về Robot bị bóp méo bởi khoa học viễn tưởng và một số tin tức giật gân gần đây. Họ cũng nêu quan điểm ở góc độ đạo đức, địa vị pháp lý của Robot không thể bắt nguồn từ mô hình con người tự nhiên, vì khi đó Robot sẽ nắm giữ quyền con người, quyền công dân một cách trực tiếp. Điều này gây mâu thuẫn với Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu và Công ước bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Vào năm 2020, Nghị viện châu Âu đã được ra câu trả lời với những lập luận trái chiều qua báo cáo “Trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm pháp lý”[11]. Họ nêu quan điểm rằng nhân cách điện tử không tạo ra một chủ thể quyền mới mà thay vào đó tạo ra một thực thể pháp lý vì những lý do thực tế. Trong phạm vi giải thích này, các thực thể trí tuệ nhân tạo sẽ không thể có quyền và sẽ không có thực thể đặc biệt nào giữa con người và vật. Mục đích quan trọng nhất của Nghị viện khi đưa ra đề xuất cấp tư cách pháp lý cho Robot là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nhà thiết kế sản phẩm, phần mềm và các nhà cung cấp dịch vụ khác, chủ sở hữu và người dùng. Việc đưa Luật sư Robot ứng dụng vào thực tế ở châu Âu là hoàn toàn hợp pháp, song, các vấn đề dân sự liên quan đến mô hình này vẫn chưa có một khung khổ pháp lý chính thức để điều chỉnh do đang trong quá trình thực hiện phác thảo dự luật. Nhận thấy, Luật sư Robot thực hiện các công việc pháp lý giúp đỡ cho con người, trong quá trình làm việc, nếu xảy ra sai sót hoặc lỗi hệ thống, nhà cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất hay Robot là người chịu trách nhiệm vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi vậy, khi ứng dụng, các cá nhân, tổ chức cần lưu ý và quy định rõ trong bản thỏa thuận với khách hàng về các trách nhiệm pháp lý liên quan, tránh gây thiệt hại và xảy ra kiện tụng không đáng có.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tư cách pháp lý là tư cách của cá nhân, pháp nhân, tổ chức hay các chủ thể khác khi tham gia vào một hoặc nhiều quan hệ pháp luật nhất định. Tư cách pháp lý cũng chính là địa vị pháp lý thể hiện vị trí, vai trò của chủ thể đó trong quan hệ pháp luật và đi liền với nó là quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý phát sinh. Luật sư Robot cũng có đặc điểm giống con người như suy nghĩ thông minh, có thể tự chủ trong hành động của mình, vậy với những đặc tính trên thì Luật sư Robot có thể được xác lập địa vị pháp lý ở hệ thống luật Việt Nam như một chủ thể độc lập hay không?
Đặt dưới môi trường pháp lý của Việt Nam, việc cân nhắc tên gọi pháp lý cho Luật sư Robot là một điều khó khăn và tạo ra nhiều trăn trở cho các nhà làm luật bởi hiện tại, theo Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) chỉ đang tồn tại hai chủ thể chính là cá nhân và pháp nhân. Vậy, Luật sư Robot sẽ được tồn tại dưới tên gọi nào? Sau đây, tác giả sẽ chỉ ra từng trường hợp cùng lời bình luận để xem xét cụ thể.
Thứ nhất, Luật sư Robot được công nhận như là một cá nhân trong pháp luật Việt Nam, theo đó nó sẽ có quyền và nghĩa vụ của công dân. Thực chất, Luật sư Robot hoạt động giống với suy nghĩ và tư duy của con người, bởi vì người lập trình nên nó chính là con người. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ việc Luật sư Robot khả năng suy nghĩ và cảm nhận thì các máy móc và thiết bị điện tử hiện đại cũng có thể làm được điều tương tự này, ví dụ trợ lý ảo Siri của iPhone, Google Assistant của Google… Những sự vật trên đều không được pháp luật các quốc gia cấp quyền công dân, Luật sư Robot cũng khó có thể được cấp tư cách cá nhân. Trình độ khoa học đang dần phát triển hơn, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, Luật sư Robot có ý thức giống như một con người. Freud định nghĩa rằng ý thức thực sự có nghĩa là đặc điểm nội bật của đời sống tâm linh và tâm lý học, là khoa học về nội dung của ý thức. Trong khi, Damasio cho rằng ý thức là chức năng sinh học quan trọng cho phép chúng ta biết buồn hay biết vui, biết đau khổ hay biết hạnh phúc, cảm thấy xấu hổ hay kiêu hãnh, nhìn chung, đó là cảm xúc, tâm trạng của con người[12]. Ý thức là một điều trừu tượng và khó diễn tả. Thực tế, khó chứng minh xác định Luật sư Robot có ý thức hay không. Chúng ta phải thừa nhận rằng nó có thể suy nghĩ và cảm nhận, nhưng điều đó không đảm bảo rằng Luật sư Robot có ý thức. Ngay cả khi con người, chúng ta không thể xác định được một con người có ý thức hay không nếu không được quy định cụ thể trong các văn bản thành văn. Khi xét trong bối cảnh Việt Nam, Luật sư Robot không thể được coi là một cá nhân độc lập và cũng không được hưởng các quyền và nghĩa vụ công dân. Vì cá nhân là con người cụ thể từ khi sinh ra cho đến khi chết đi và tồn tại trong một tập thể hoặc trong một cộng đồng xã hội, trong khi đó, Luật sư Robot chỉ là một sản phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo của con người và hoạt động độc lập, không có sự liên kết chung nếu nó không được lập trình từ đầu.
Thứ hai, xác lập rằng Luật sư Robot là một pháp nhân. Theo Điều 74 BLDS 2015, pháp nhân là một tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định bao gồm việc được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Luật sư Robot không đáp ứng đủ bất kì một yếu tố được nêu trên do đó không thể trở thành pháp nhân và cũng không nên để Luật sư Robot có tư cách pháp nhân (nếu trong trường hợp nó đáp ứng các điều kiện), bởi vì nó có thể làm suy yếu quyền con người và vốn dĩ Luật sư Robot không phải là con người.
Thứ ba, Luật sư Robot là một tài sản vì chúng được tạo ra bởi trí tuệ của con người. Theo định nghĩa, tài sản là một khái niệm pháp lý bao gồm những vật chất, quyền lợi và giá trị mà con người có thể sở hữu, kiểm soát và sử dụng để tạo ra lợi ích cho bản thân và cho người khác. Nếu nhìn một cách khái quát, Luật sư Robot đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên, nó có thể đem lại lợi ích bằng việc trợ giúp các vấn đề pháp lý, thực hiện công việc tư pháp được giao và thông qua Luật sư Robot, con người có thể cung cấp dịch vụ pháp luật, kiếm lợi nhuận và phát triển môi trường sống tiện ích, thuận lợi. Tuy nhiên, Luật sư Robot đã tiến hóa vượt ra ngoài phạm vi được coi là tài sản, nó sở hữu trí thông minh giống như con người, tự động học hỏi các dữ liệu thông tin được nhập vào và tạo ra những sáng kiến mới dựa trên việc học hỏi đó. Căn cứ vào Điều 105 BLDS 2015, tài sản là tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản, Luật sư Robot không bao gồm trong nội hàm của tài sản theo luật định nên không thể coi Luật sư Robot là tài sản theo pháp luật Việt Nam.
Mục đích xác lập tư cách pháp lý cho Robot là để xác định quyền và nghĩa vụ của Luật sư Robot khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, đặc biệt là quan hệ pháp lý dân sự liên quan đến tính chịu trách nhiệm, phạm vi bồi thường thiệt hại… Từ kinh nghiệm quốc tế, áp dụng vào hệ thống luật Việt Nam, tác giả nhận thấy, cần công nhận tư cách Luật sư Robot là một thực thể công nghệ. Trong đó, thực thể công nghệ bao gồm bất kỳ thực thể thông minh nào được tạo ra bằng công nghệ hoặc được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, có quyền và nghĩa vụ trong phạm vi quy định và đặt dưới sự giám sát của con người.
Ở bài báo nghiên cứu này, tác giả đã phân tích các quan điểm quốc tế về việc công nhận tư cách pháp lý cho Luật sư Robot trong thực tiễn. Đồng thời, tác giả lập luận rằng cấp tư cách pháp lý Luật sư Robot là một thực thể công nghệ vào bối cảnh pháp lý Việt Nam là khả thi. Soi chiếu với thực tiễn Việt Nam, Luật sư Robot đáp ứng đủ các điều kiện để tham gia vào hoạt động tư vấn dân sự. Nhận thấy sự hạn chế từ những tác động tiêu cực Luật sư Robot có thể gây ra, trên cơ sở nội dung đã nghiên cứu, nhóm đã đưa ra một số kiến nghị về cấp tư cách pháp lý cho Luật sư Robot đồng thời phác thảo sơ bộ phương hướng xây dựng khung khổ pháp lý cho Luật sư Robot. Nghiên cứu này sẽ góp phần trong hoạt động nghiên cứu về Luật sư Robot, cũng như khả năng ứng dụng của Luật sư Robot trong thực tiễn, đồng thời cũng là tiền đề cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật khác về Luật sư Robot tại Việt Nam.
Lời cảm ơn:
Tác giả xin chân thành cảm ơn tới sự đóng góp, hỗ trợ của TS. Chu Thị Lam Giang - Giảng viên bộ môn Luật Dân sự Trường Đại học Luật Hà Nội đã giúp đỡ tác giả hoàn thiện bài báo nghiên cứu này.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Xem: https://www.britannica.com/technology/Robot-technology
[2] Ở trong Tiếng Anh, Luật sư được dịch thành hai từ “Attorney” hoặc “Lawyer”. “Lawyer” có nguồn gốc từ tiếng Anh Cổ “Lawe” có nghĩa là người giải thích luật, “Attorney” có nguồn gốc từ tiếng Pháp “atorne” có nghĩa là người được người khác chỉ định hành động khi thay mặt họ. “Lawyer” thường được sử dụng để chỉ tất cả luật sư nhưng “attorney” thường được sử dụng để chỉ người được uỷ quyền đại diện cho một người hoặc tổ chức. Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả lựa chọn việc sử dụng từ “Lawyer” bao hàm cả luật sư và luật sư đại diện cho khách hàng tranh tụng trên tòa.
[3] Artificial intelligence, MERRIAM-WEBSTER, https://www.merriam-webster.com/dictionary/artificial% 20intelligence [https://perma.cc/3ZBP-PLAJ]
[4] Lauri Donahue, A Primer on Using Artificial Intelligence in the Legal Profession, HARV. J. L. & TECH. (Jan. 3, 2018), http://jolt.law.harvard.edu/digest/a-primer-on-using-artificial-intelligence-in-the-legal-profession [https://perma.cc/H65H-6A5A].
[5] Ứng dụng trợ giúp pháp lý tại Mỹ, được ra mắt vào năm 2016
[6] Thanh Bình (2023), 'Luật sư Robot' đầu tiên trên thế giới bị kiện vì... hành nghề trái phép <https://tuoitre.vn/luat-su-Robot-dau-tien-tren-the-gioi-bi-kien-vi-hanh-nghe-trai-phep-2023031513575646.htm>
[7] Compromise text on the AI Act 15 July 2022
[8] Joana Vilela Fernandes, Robot citizenship and gender equality: the case of Sophia the Robot in Saudi Arabia, Janus.net (2022)
[9] Civil Law Rules on Robotics
[10] Open Letter To The European Commission Artificial Intelligence And Robotics
[11] Artificial Intelligence and Civil Liability
[12]2 Prianto, Y., Sumantri, V. K., & Sasmita, P. Y. (2020, May), Pros and cons of AI robot as a legal subject. In Tarumanagara International Conference on the Applications of Social Sciences and Humanities (TICASH 2019) (pp. 380-387), Atlantis Press.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Legal status for robot lawyers: Perspectives from countries around the world and practices in Viet Nam
Thai Lam Ngoc
Student, Hanoi Law University
Abstract:
Along with global technology development, a robot lawyer could provide legal support to people. However, there has been no official recognition of robot lawyers in the legal system. This study analyzed the experience of some countries in recognizing the legal status of robot lawyers and made recommendations to improve regulations on robot lawyers in Vietnam.
Keywords: Artificial Intelligence, robot lawyer, legal status.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Bài báo nghiên cứu "Chống trục lợi bảo hiểm từ hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ" do Mai Đăng Lưu (Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo "Nghiên cứu giải pháp về quản trị chất lượng cho hệ thống cửa hàng Circle K" do Bùi Tùng Lâm (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Rào cản pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" do Trần Thị Nhật Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Khảo sát các tính chất của vật liệu đá bazan sử dụng làm phụ gia hoạt tính" dp ThS. Lê Minh Sơn (Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong hoạt động thương mại điện tử - thực trạng và một số khuyến nghị " do ThS. Nguyễn Thị Hạnh Lê (Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiết