(CHG) Chiều 20/11, tại Thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), trong khuôn khổ AIPA-43, với sự chứng kiến của các đại biểu tham dự Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã ký Tuyên bố chung của các Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam, lần đầu tiên thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV).
Theo đó, 3 Chủ tịch Quốc hội nhất trí nâng cấp cơ chế hội nghị hiện nay giữa các ủy ban của Quốc hội 3 nước CLV thành Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV Parliamentary summit) được tổ chức 2 năm/lần do 3 Chủ tịch Quốc hội chủ trì trên cơ sở luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái; đồng thời thông qua quy trình thủ tục của Hội nghị cấp cao Quốc hội CLV. Việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội CLV phù hợp với tầm nhìn của nhiều thế hệ Chủ tịch Quốc hội 3 nước.
Tuyên bố chung khẳng định việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV nhằm: Tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện, trọng tâm là phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác quốc phòng-an ninh, giao lưu nhân dân vì sự phát triển bền vững của 3 nước và của khu vực;
Thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thoả thuận, chương trình hành động và các dự án hợp tác mà Chính phủ 3 nước đã thống nhất, cũng như các thoả thuận đa phương mà 3 nước là thành viên; thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong thực thi các chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội CLV; phân bổ ngân sách và trao đổi các cách thức huy động vốn từ các đối tác trong và ngoài khu vực CLV để thực hiện các chương trình và dự án trong Khu vực tam giác phát triển và các lĩnh vực hợp tác khác.

Việt Nam, Lào, Campuchia ký tuyên bố chung lần đầu tiên thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước - Ảnh: TTXVN
Ngay sau lễ ký Tuyên bố chung của 3 Chủ tịch Quốc hội, các Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Lào, Campuchia đã trả lời phỏng vấn báo chí, khẳng định đây là dấu mốc lịch sử đối với hợp tác Quốc hội Việt Nam, Lào và Campuchia.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, cơ chế hợp tác giữa 3 nước đã có khá nhiều, từ kênh Đảng, kênh Chính phủ và kênh Quốc hội cũng đã có cơ chế hợp tác giữa các ủy ban. Với việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước do 3 Chủ tịch Quốc hội chủ trì cùng với kênh Đảng và kênh Chính phủ, có thêm một kênh để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và tăng cường hữu nghị, đoàn kết 3 nước.
Cơ chế này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay để Quốc hội 3 nước phối hợp hành động, thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa Chính phủ 3 nước, phối hợp cùng nhau giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa 3 nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực.
Việc hình thành cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước thể hiện sâu sắc tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để cùng đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, hợp tác quốc tế, thông tin và truyền thông Quốc hội Campuchia Sous Yara khẳng định, việc Chủ tịch Quốc hội 3 nước ký Tuyên bố chung lần đầu tiên thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước ghi dấu một tầm cao mới nữa của hợp tác nghị viện 3 nước nhằm thực hiện các cam kết chung và liên tục của 3 Quốc hội CLV trong việc tăng cường hơn nữa “quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp và hợp tác toàn diện, lâu dài” của 3 nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praseuth, đây là sự kiện rất quan trọng, bởi vì 3 Quốc hội Lào, Việt Nam và Campuchia đã thảo luận về cách thức làm thế nào để hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Trước đây, các hội nghị được tổ chức 2 năm/lần giữa các ủy ban Quốc hội 3 nước. Điều này tiêu tốn khá nhiều chi phí. Việc nâng cấp cơ chế này sẽ giúp 3 Quốc hội phối hợp chặt chẽ hơn, đem lại lợi ích tốt hơn cho người dân.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/viet-nam-lao-campuchia-ky-tuyen-bo-chung-lan-dau-tien-thiet-lap-co-che-hoi-nghi-cap-cao-quoc-hoi-3-nuoc-102221120214159778.htm
0
100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, từ ngọn đèn nhỏ đến ngọn lửa thời đại
(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết
Báo chí cách mạng, ngòi bút kiên cường trên mặt trận chống hàng giả, gian lận thương mại
(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết