Nhìn từ vụ việc mỹ phẩm Yody Phương Anh và gần 600 sản phẩm sữa giả, ai bảo vệ người tiêu dùng?


(CHG) Trong bối cảnh hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm và mỹ phẩm, việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm này lại đang bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng. Những vụ việc gần đây như mỹ phẩm Yody Phương Anh chứa Corticoid và hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép hơn 43 nghìn lần, hay đường dây sản xuất sữa giả với gần 600 sản phẩm vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá thành công, đã phơi bày một thực trạng đáng lo ngại: cơ chế hậu kiểm hiện hành với các sản phẩm “tự công bố” đang bị buông lỏng đến mức báo động.

Kết quả kiểm nghiệm đối chứng của Quỹ Chống hàng giả.

Khi báo chí gióng lên hồi chuông
Vụ việc mỹ phẩm Yody Phương Anh là một ví dụ điển hình cho sự thiếu trách nhiệm trong công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng. Trên thị trường, các sản phẩm mang nhãn hiệu "Yody Phương Anh" được quảng bá rầm rộ với những lời hứa hẹn như làm trắng da, trị nám, trị mụn, làm mờ sẹo… Thế nhưng, sau thông tin của Quỹ Chống hàng giả; Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại về bất thường liên quan đến sản phẩm mỹ phẩm của đơn vị này, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã đem các sản phẩm của đơn vị này đi kiểm nghiệm. Kết quả chỉ ra rằng sản phẩm Suskin Whitening Night chứa corticoid - một chất chống viêm mạnh, gây nhiều biến chứng nguy hiểm khi sử dụng kéo dài, và đặc biệt, hàm lượng thủy ngân cao gấp hơn 43.000 lần giới hạn cho phép theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.

Kết quả kiểm nghiệm đối chứng của Quỹ Chống hàng giả lần 1 đối với sản phẩm Su Skin Whitening Ningt Cream do Công ty Yody Phương Anh chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.

Kết luận của cơ quan chức năng, sản phẩm Suskin Whitening Night Cream do Công ty Yody Phương Anh chịu trách nhiệm đưa ra thị trường dương tính với Corticoid và thủy ngân vượt hơn 43 nghìn lần cho phép của Bộ Y tế.

Không dừng lại ở đó, trong quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện ra hàng loạt các vi phạm: quảng cáo sản phẩm như thuốc; sản xuất mỹ phẩm khi chưa đủ điều kiện...
Ngoài ra, đơn vị sản xuất sản phẩm Yody Phương Anh còn sử dụng trái phép số công bố sản phẩm gắn liền với một công ty khác. Tức là, sản phẩm ghi số công bố gắn liền việc sản xuất đóng gói tại Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Nhật Hàn, nhưng thực chất đơn vị này lại tự được sản xuất, đóng gói khi không có giấy phép sản xuất mỹ phẩm. Hành vi này không chỉ lừa dối người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Cơ quan chức năng liên tục ra thông báo xử phạt, thu hồi và buộc tiêu hủy sản phẩm đối với mỹ phẩm mang thương hiệu Yody Phương Anh.

Điều đáng nói là toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Yody Phương Anh diễn ra trong suốt thời gian dài mà không hề bị cơ quan chức năng địa phương, cụ thể là Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phát hiện. Chỉ đến khi báo chí phanh phui, công bố kết quả kiểm nghiệm, thì các đơn vị chức năng mới vào cuộc kiểm tra và lập biên bản vi phạm.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu báo chí không vào cuộc, liệu các sản phẩm độc hại này còn tiếp tục len lỏi vào tay người tiêu dùng trong bao lâu nữa?
Vì vậy người tiêu dùng nêu ý kiến: cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh trong vụ việc này (!)
Doanh nghiệp “ma” hoạt động công khai mà cơ quan chức năng không hay biết
Không dừng lại ở lĩnh vực mỹ phẩm, một đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn vừa bị Bộ Công an triệt phá cũng khiến dư luận rúng động. Gần 600 sản phẩm sữa bột được pha trộn theo công thức, đóng gói thủ công, giả về chất lượng và đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.
Điểm đặc biệt trong vụ việc này là nhóm đối tượng đã khéo léo đăng ký một số doanh nghiệp tại tỉnh Hòa Bình và sử dụng hình thức “tự công bố sản phẩm” tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến địa chỉ đăng ký doanh nghiệp, thực tế đó lại là… một phòng khám y tế, hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa nào (thông tin sử dụng nguồn của VTV1).

Bộ Công An vừa triệt phá thành công nhóm đối tượng hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp sản xuất gần 600 nhãn sữa giả về chất lượng, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù doanh nghiệp trên không phải mới hoạt động vài ba ngày, thế nhưng, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình lại không phát hiện ra bất thường nào suốt quãng thời gian đó. Điều này cho thấy sự thiếu kiểm tra, giám sát một cách hệ thống từ phía cơ quan chức năng địa phương, dù họ hoàn toàn có đầy đủ thông tin về địa điểm, ngành nghề đăng ký và các sản phẩm đã được tự công bố.
Một lần nữa, vai trò phát hiện sai phạm lại thuộc về lực lượng điều tra của Bộ Công an. Trong khi đó, lẽ ra Chi cục ATVSTP địa phương, nơi trực tiếp cấp số công bố và chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn, mới là tuyến đầu trong việc giám sát và hậu kiểm.
Lỗ hổng từ chính sách “tự công bố”, nơi cho phép “dối trá hợp pháp”?
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP và sau này là Nghị định 155/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm không còn phải xin cấp phép cho từng sản phẩm nữa, mà được tự công bố sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rút ngắn thời gian, chi phí đưa hàng hóa ra thị trường.
Tuy nhiên, sự nới lỏng về điều kiện công bố sản phẩm không đi kèm một cơ chế hậu kiểm chặt chẽ đã tạo ra một “vùng xám” khiến cho các đối tượng xấu lợi dụng để lách luật, thậm chí hợp thức hóa việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, độc hại.
Về nguyên tắc, sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ tự công bố, cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra, hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo sản phẩm lưu hành đúng theo hồ sơ đã công bố. Thế nhưng, trên thực tế, tỷ lệ hậu kiểm cực kỳ thấp và hầu như chỉ diễn ra sau khi xảy ra sự cố, khi báo chí lên tiếng hoặc người dân phản ánh.
Câu hỏi đặt ra: tại sao một hệ thống pháp luật đầy đủ, với đội ngũ thanh tra, quản lý chuyên ngành đông đảo, lại để lọt những sai phạm nghiêm trọng như vậy? Phải chăng có một sự buông lỏng, hoặc tệ hơn, là cố tình làm ngơ từ phía một số cán bộ, đơn vị chức năng?
Ai bảo vệ người tiêu dùng, phải chăng hậu kiểm yếu, trách nhiệm mờ
Cả hai vụ việc kể trên, một liên quan đến mỹ phẩm chứa chất cấm, một là sữa giả, đều đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người có thể đã sử dụng sản phẩm độc hại này mà không hề hay biết. Một vài kết luận xử phạt hành chính hay thu hồi sản phẩm không thể khắc phục được hậu quả đã gây ra.
Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) quy định rõ: “Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hóa, dịch vụ.” Đồng thời, luật cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng như đã công bố và của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thế nhưng, khi những quyền đó không được thực thi bởi sự yếu kém của hệ thống giám sát và quản lý, người tiêu dùng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong một “trò chơi công bố, không kiểm, và buông xuôi”.
Rõ ràng, không thể chỉ đổ lỗi cho những cá nhân, tổ chức sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Sự tồn tại và hoạt động của họ, đặc biệt là trong thời gian dài, là kết quả của một hệ thống quản lý lỏng lẻo, hình thức và thiếu quyết liệt.
Trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương, những đơn vị trực tiếp cấp phép, nhận hồ sơ công bố, có quyền thanh tra và giám sát. Khi một doanh nghiệp giả mạo địa chỉ, sản xuất sản phẩm không đúng như hồ sơ công bố, mà không bị phát hiện trong suốt nhiều năm, thì rõ ràng đã có sự thiếu trách nhiệm nghiêm trọng, thậm chí có thể là dấu hiệu bao che, tiếp tay.
Tiếp đó là trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hậu kiểm của các địa phương. Nếu không có những đợt kiểm tra chéo, thanh tra định kỳ từ cấp cao hơn, thì địa phương dễ rơi vào tình trạng “tự tung tự tác” hoặc đối phó hình thức.
Cuối cùng, chính sách tự công bố, mặc dù được xây dựng với mục tiêu tốt, nhưng rõ ràng đã không đi kèm cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, dẫn đến bị lợi dụng. Đây là lúc cần xem xét lại chính sách này, có thể cân nhắc phương án kết hợp giữa “tự công bố” và cấp mã định danh truy xuất nguồn gốc bắt buộc; đồng thời, bắt buộc hậu kiểm ngẫu nhiên tối thiểu với một tỷ lệ cụ thể.
Không thể tiếp tục chấp nhận một thực trạng mà người dân phải nhờ đến báo chí, lực lượng công an để được bảo vệ khỏi những sản phẩm độc hại. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, hậu kiểm phải được khôi phục đúng bản chất, với sự minh bạch, chủ động và trách nhiệm cao nhất.
Chính sách “tự công bố” không sai. Nhưng nếu không được giám sát nghiêm túc, nó sẽ trở thành “lá bùa hộ mệnh” cho những doanh nghiệp làm ăn gian dối. Đã đến lúc, cần nhìn thẳng vào thực tế và đặt câu hỏi: chúng ta đang thiếu năng lực quản lý hay thực chất là đã buông lỏng trách nhiệm?

Còn lại: 1000 ký tự
Công ty Than Quang Hanh-TKV chinh phục tấn than đầu tiên ở mức -300m

​(CHG) Một trong những công ty khai thác than hầm lò chủ lực của TKV vừa khai thác thành công tấn than đầu tiên tại mức -300 mét.

Xem chi tiết
Ngành than đẩy mạnh ứng dụng sáng kiến khoa học công nghệ của đoàn viên công đoàn

(CHG) Cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động phát huy sáng kiến, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho người lao động

Xem chi tiết
Nhận lãi gấp hàng chục lần nhờ công cụ ‘Super Sinh Lời’ trên VPBank NEO

​(CHG) Với "Super Sinh Lời" vừa ra mắt, VPBank là ngân hàng đầu tiên đưa ra giải pháp sinh lời một cách tự động, linh hoạt khi tiền gốc và lãi được trả về tài khoản mỗi ngày, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi và quản lý. Mức lợi suất tới 3,5%/năm cũng gấp hàng chục lần so với chỉ để tiền trong tài khoản như thông thường.

Xem chi tiết
Bảy nhiệm vụ trọng tâm của TKV trong năm 2025

​(CHG) Để đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện, phấn đấu tăng trưởng 8% năm 2025 và những năm tiếp theo, Chủ tịch HĐTV TKV đã đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm.

Xem chi tiết
TKV thực hiện nhiệm vụ Chính Phủ giao thăm dò nghiên cứu khai thác bể than Sông Hồng

(CHG) Chính phủ yêu cầu TKV tiếp tục tìm kiếm đối tác để thăm dò Bể than Đồng bằng sông Hồng có tổng trữ lượng tới 210 tỉ tấn Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 625 phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Chiến lược phát triển TKV).

Xem chi tiết
2
2
2
3