Thành phố Hồ Chí Minh: Báo động đỏ về nguồn gốc hàng tiêu dùng


LTS: Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là cuộc chiến thầm lặng, cam go, quyết liệt... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cuộc chiến đó có khi phải đánh đổi bằng sự mất mát, hy sinh cả tính mạng của chính cán bộ lực lượng Quản lý thị trường (QLTT). Đồng chí Đậu Công Thắng, cán bộ của Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An (nay là Cục QLTT) hy sinh vào ngày 8/7/2005, trong quá trình đang thi hành nhiệm vụ, đấu tranh với đối tượng buôn lậu là một tấm gương một điển hình.
Bên cạnh sự tận tụy trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của phần lớn cán bộ lực lượng QLTT, rất mong làm sao trong sạch thị trường, lành mạnh hóa sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thì xuất hiện một vài hình ảnh “điển hình” tiêu cực: “Bảo kê” cho các sai phạm (mà vụ việc gần đây nhất là một cán bộ công chức thuộc đội 3, Cục QLTT tỉnh Thái Bình bị bắt về hành vi nhận hối lộ); hay như việc nhiều cán bộ thuộc Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có đồng chí Cục trưởng) đồng loạt rời bỏ nhiệm sở trong giờ hành chính, sử dụng tài sản công đi nhà hàng sang trọng...
Nếu điều đó vẫn tồn tại, thì công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại... rất khó có thể xử lý triệt để, thậm chí không muốn nói là sẽ tiếp tục gia tăng.
Tuyến bài viết: Thành phố Hồ Chí Minh: Báo động đỏ về nguồn gốc hàng tiêu dùng đã nêu được phần nào “bề nổi của tảng băng chìm” về vấn nạn trên. Bằng những ý kiến, những phản biện và góc nhìn đa chiều sâu sắc của phóng viên, của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hóa, tiêu dùng, phần nào “góc khuất” tại đây sẽ dần lộ sáng.

Bài 5: “Góc khuất” của việc chống hàng giả và gian lận thương mại
Như chưa hề kiểm tra
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã có loạt bài viết: “Thành phố Hồ Chí Minh: Báo động đỏ về nguồn gốc hàng tiêu dùng”, nêu lên thực trạng nhức nhối về việc các đơn vị, doanh nghiệp, các trung tâm thương mại... kinh doanh hàng tiêu dùng vi phạm các quy định pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh: Liệu có đang “bất lực”, hay buông lỏng quản lý, hoặc có sự “tiếp tay”, “bảo kê”(?) Điều đó không hẳn là không có cơ sở!

Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Bởi vậy, sau khi tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng về việc hàng tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu... đang “bủa vây” Thành phố Hồ Chí Minh, do Quỹ chống hàng giả (Tổng đài chống hàng giả) bàn giao, ngày 26/7/2023, phóng viên Tạp chí CHG đã chuyển các thông tin trên tới phía Cục QLTT Thành Phố. Một trong những thông tin “nóng” chính là tuyến phố kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại 3/2, phường 7, quận 10, có dấu hiệu kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu...
Ngày 28/7/2023, Tạp chí CHG đăng tải bài viết: “Nghênh ngang kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại vi phạm quy định pháp luật”, trong đó truyền tải thông tin tới độc giả về việc Cửa hàng chuyên kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại: Phương Anh, Đại Hào, 793, có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện thoại tại cửa hàng Phương Anh.

Mặc dù lực lượng chức năng mới kiểm tra (khoảng 10 ngày), thu giữ hàng hóa vi phạm các quy định của pháp luật, thế nhưng cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại Đại Hào, Phương Anh, 793, trên đường 3-2, phường 7, quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt kinh doanh trở lại. Nhiều dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm vẫn được các cửa hàng trên công khai bày bán.

Cùng ngày, 28 - 29/7/2023, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt tiến hành kiểm tra 03 địa điểm kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại, thiết bị di động nói trên, phát hiện 27.680 đơn vị sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hàng hóa... với tổng giá trị hàng hóa hơn 274 triệu đồng.
Những tưởng, sau khi kiểm tra, thu giữ hàng hóa vi phạm, các cửa hàng trên sẽ coi đó là bài học đáng ghi nhớ và sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật trong viêc kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại. Thế nhưng, điều đó đã không diễn ra và có chiều hướng coi thường các cơ quan chức năng.
Cụ thể, theo thông tin từ người tiêu dùng, ngày 08/8/2023, đồng loạt 3 cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại: 793; Phương Anh; Đại Hào, đường 3/2/2023, phường 7, quận 10 mở cửa hoạt động trở lại.
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí CHG, hoạt đông kinh doanh của 3 cửa hàng trên diễn ra rất nhộn nhịp. Nhiều nhân viên của cửa hàng Phương Anh, cửa hàng Đại Hào tràn ra phần lề đường chèo kéo khách mua hàng, gây cản trở và mất an toàn giao thông, nhìn rất phản cảm. Phần hành lang dành cho người đi bộ đã bị hai của hàng này chiếm gọn với mục đích trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện thoại, thế nhưng không thấy bất kỳ bóng dáng của lực lượng chức năng nào nhắc nhở và xử lý vấn đề trên.
Quan sát của phóng viên, hàng hóa bày bán tại 03 cửa hàng trên vẫn chủ yếu là các sản phẩm là linh kiện, phụ kiện điện thoại. Phần lớn hàng hóa đang bày bán tại đây nhiều dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chữ là tiếng nước ngoài (hoặc trắng thông tin), không nhãn phụ tiếng Việt. Dấu hiệu của việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu tiếp tục tái diễn.
“Góc khuất” đáng suy ngẫm

“Bên em phải chạy tiền mới cho bán lại”- lời nhân viên bán hàng của cửa hàng phụ kiện Phương Anh.

Trao đổi với một nhân viên tư vấn bán hàng của cửa hàng Phương Anh, phóng viên không khỏi giật mình: “Hàng hóa tại đây toàn ba cái đồ lậu không à, làm gì có giấy tờ. Bên em vừa bị bắt xong, thu hết đồ...”. Đồng thời cũng nhân viên này cho biết: “Bên em phải chạy tiền mới cho bán lại” (?)

Bà Lê Thị Phương Anh, chủ cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện Phương Anh trong một lần tiếp nhận giấy giới thiệu của phóng viên Tạp chí CHG.

Để có thông tin đa chiều, ngày 18/8/2023, phóng viên Tạp chí CHG có trao đổi với bà Lê Thị Phương Anh qua điện thoại, chủ cửa hàng linh kiện, phụ kiện điện thoại Phương Anh, bà đã từ chối làm việc: “Chúng tôi đang trong quá trình xử lý của QLTT nên chưa bán hàng. Vì vậy chúng tôi không có gì phải trao đổi”.
Bà Phương Anh trả lời là vậy, thế nhưng trên thực tế hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hoá vi phạm các quy đinh của pháp luật tại đây đã hoạt động trở lại từ ngày 8/8/2023.
Có thể nói, 03 cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại trên đồng loạt hoạt động trở lại và tiếp tục công khai bày bán nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật, là hành vi coi thường pháp luật một cách “có chủ đích”, bất chấp dư luận nhằm thu lợi bất chính. Đây là hành vi đáng lên án, phê phán và phải được xử lý nghiêm minh, thích đáng.

Người tiêu dùng thắc mắc về việc định giá các sản phẩm hàng hóa vi phạm của cơ quan chức năng. Nêu việc định giá các sản phẩm vi phạm chưa đúng, có thể gây thất thu ngân sách trong việc xử phạt vi phạm hành chính (Giá niêm yết các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại Phương Anh).

Cùng với đó, vấn đề mà không ít người tiêu dùng đang thắc mắc đó là việc định giá các sản phẩm hàng hóa vi phạm tại 03 cửa hàng trên: Căn cứ vào đâu, với 27.680 đơn vị sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hàng hóa... mà cơ quan chức năng chỉ định giá giá trị hàng hóa trên chỉ có hơn 274 triệu đồng (có nghĩa là chia bình quân chưa đến 10 nghìn đồng một sản phẩm)? Thực tế, theo như ghi nhận của phóng viên, tại cửa hàng Phương Anh sản phẩm thấp nhất được niêm yết giá là 15 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng (nhưng rất ít sản phẩm có giá đó), nhiều sản phẩm tại đây có giá từ 40 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng (sản phẩm có giá giao động trên được bày bán đại trà, thậm chí có những sản phẩm lên tới vài trăm nghìn đồng).
Việc mau chóng kiểm tra, xử lý, thu giữ nhiều hàng hóa vi phạm của lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đáng được hoan nghênh và biểu dương. Tuy nhiên, sau quá trình trên, phía lực lượng chức năng, cụ thể là Cục QLTT Thành phố chưa thể hiện đúng vai trò giám sát (hậu kiểm), để 03 cửa hàng trên có dấu hiệu tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng linh kiện, phụ kiện điện thoại, thậm chí có dấu hiệu “lây lan” vi phạm sang nhiều cửa hàng khác trên cùng tuyến phố.
Trách nhiệm đó sẽ thuộc về ai? Phải chăng việc kiểm tra, xử lý trên chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo”?
Gian lận thương mại... “tác loạn trong lòng” Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh
Lời chia sẻ của người tư vấn, giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng Phương Anh: “Hàng hóa đang kinh doanh là hàng nhập lậu...”; “Phải chạy tiền mới cho bán lại”, cũng như ghi nhận của phóng viên Tạp chí CHG về việc nhiều cán bộ của Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh “đánh cắp thời gian”; sử dụng tài sản công đi đến nhà hàng sang trọng trong giờ hành chính, ngần ấy thông điệp đủ cho thấy công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra như thế nào.


Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong lần trao đổi với phóng viên CHG.

Theo nghĩa từ điển, “bảo kê” là bảo vệ, bảo đảm cho những hoạt động thường không lành mạnh. Cần nhấn mạnh rằng, “bảo kê” là hành vi bất chính - không chính đáng, trái với đạo đức công vụ, trái pháp luật, đồng thời là một trong nhiều căn nguyên làm cho thực trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hành vi bất chính này đã và đang tiềm ẩn trong “gian thương”, thậm chí ngay “trong lòng” lực lượng thực thi công vụ.

Nhà hàng sang trọng Yeebo- số 76 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận - Nơi nhiều cán bộ công chức của Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh bỏ nhiệm sở trong giờ hành chính để tổ chức liên hoan cho "sếp" Huy, phó Cục trưởng Cục QLTT vừa nhận chức.

Bởi thế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia thẳng thắn chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa “gian thương” với hành vi bất chính trong lực lượng thực thi công vụ: “...Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn một số tồn tại, hạn chế gồm: Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; một bộ phận cán bộ, công chức, sĩ quan thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật; cơ chế, chính sách còn bất cập, sơ hở, bị các đối tượng lợi dụng; việc trao đổi thông tin giữa các ngành, lực lượng, đơn vị về công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hình thức, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp”.
Từ việc phóng viên Tạp chí CHG được nghe từ chính nhân viên của cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại Phương Anh, cũng như việc đồng loạt 03 cửa hàng nêu trên mở cửa trở lại (nhưng vẫn kinh doanh nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm), cùng việc “mục sở thị” về vấn đề vi phạm đạo đức công vụ của phía Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh, mới thấy thấm thía lời phát biểu thẳng thắn của đồng chí Phó thủ Tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Hiểu rộng hơn, “tác loạn” theo nghĩa từ điển tiếng việt là gây loạn, làm rối trật tự sản xuất kinh doanh trong nước, nguy hại đến trật tự quản lý kinh tế - xã hội và hoạt động kinh doanh chân chính của doanh nghiệp, ảnh hưởng vô cùng lớn đến tiêu dùng xã hội và quan hệ quốc tế... Bởi thế, sẽ là rất nguy nếu xảy ra “tác loạn” ngay “trong lòng” QLTT Thành phố Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng và độc giả cả nước cần câu trả lời về các vấn đề trên từ phía cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn lại: 1000 ký tự
Khánh Hòa: Tạm giữ 226 bình khí cười các loại và 15 chiếc xe điện 2 bánh nhập lậu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa kiểm tra đột xuất 02 cơ sở kinh doanh phát hiện, tạm giữ 226 bình khí N2O, 80 cái bình ắc quy và 15 chiếc xe điện 2 bánh có dấu hiệu vi phạm.

Xem chi tiết
Kiên Giang: Truy cứu trách nhiệm hình sự vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định chuyển hồ sơ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm về buôn lậu để truy cứu trách nhiệm hình sự có giá trị 146 triệu đồng.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Xử phạt gần 50 triệu đồng kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra, phát hiện vi phạm kinh doanh thực phẩm bổ sung do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, xử phạt với số tiền 23,5 triệu.

Xem chi tiết
Đắk Lắk: Xử phạt 02 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội, với số tiền gần 50 triệu đồng.

Xem chi tiết
Phú Yên: Tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm có giá trị gần 3 tỉ đồng

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên tiến hành thành lập Hội đồng kiểm kê, giám sát việc tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu, với giá trị gần 3 tỉ đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3