(CHG) Chương trình bình ổn thị trường có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán, vừa đảm bảo ổn định giá, lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp, vừa phù hợp với lợi ích người tiêu dùng.
Bổ sung nhiều nhóm mặt hàng, tăng 3 - 5% so với năm 2022
Tại họp báo chiều ngày 03/04, Sở Công Thương TP. HCM thông tin: Từ năm 2023, Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP. HCM được triển khai theo Quy chế quy định tại Quyết định số 4556 ngày 28/01/2023 của UBND TP. HCM.
Quyết định này quy định rõ về phương thức tạo nguồn hàng; cơ chế xác định và điều chỉnh giá bán; cơ chế phối hợp phân phối hàng hóa giữa doanh nghiệp cung ứng và hệ thống phân phối; cơ chế hỗ trợ vận chuyển, lưu thông hàng hóa; triển khai đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu. Đồng thời xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp, sở, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Theo Sở Công Thương TP. HCM, năm 2023, Chương trình bình ổn thị trường có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 3 doanh nghiệp so năm 2022. Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM phát biểu tại buổi họp báo chiều 03/04/2023.
Cụ thể, về hoạt động phân phối có các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu cả nước như: Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Central Retail (hệ thống BigC, Go!, Top Market…), Wincommerce, MM Mega Market, AEON, Fahasa, Satra…
Còn hoạt động sản xuất, cung ứng có các doanh nghiệp quy mô rất lớn gồm: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng (Nutifood), Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH (TH Truemilk), Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan), Công ty Cổ phần Ba Huân (Ba Huân), C.P Việt Nam…
Đáng chú ý, có một số doanh nghiệp uy tín lần đầu tham gia Chương trình như: Công ty Liên doanh Bột Quốc tế (bột Mikko), Công ty Cổ phần Sản xuất Thực phẩm Anh Kim (cháo Cây Thị), Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce (hệ thống Winmart, Winmart+…).
Về hàng hóa tham gia bình ổn thị trường, theo Sở Công Thương so với năm 2022, Chương trình bổ sung nhiều nhóm mặt hàng. Cụ thể, các mặt hàng lương thực, thực phẩm: bổ sung nhóm các mặt hàng bột, các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, các mặt hàng cháo tươi, súp dinh dưỡng đóng gói, các mặt hàng đặc sản vùng miền như rong nho, măng, nấm, măng chua…
Các mặt hàng phục vụ học tập: Bổ sung nhóm các mặt hàng dụng cụ học sinh như: giấy kiểm tra, giấy thủ công, giấy bao tập, giấy kê tay, nhãn học sinh, tập chép nhạc, sổ giáo án, tập vẽ, thời khóa biểu...
Về lượng hàng, căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2022, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2023 tăng 3 - 5% so năm 2022; chiếm từ 23 - 31% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Chương trình bình ổn thị trường có nhiều điểm mới
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết: Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 – 2024 được triển khai theo Quy chế triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố được ban hành theo Quyết định số 4556 của UBND TP. HCM.
Công ty cổ phần Ba Huân là một trong nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn giá trên địa bàn TP. HCM từ rất sớm (tham gia chương trình 20 năm).
Theo đó, về giá bán bình ổn thị trường: Chương trình có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng bình ổn thị trường, giá bán được xác định trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan: doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính), nhằm tạo sự đồng thuận cao, vừa đảm bảo ổn định giá, vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp, lợi ích phù hợp của người tiêu dùng).
Đối với hoạt động truyền thông: Chương trình hình thành hệ thống nhận diện thương hiệu đồng bộ, thống nhất từ sản phẩm đến điểm bán hàng, hệ thống phân phối… Qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết, mua sắm và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Về các giải pháp hỗ trợ thực hiện, theo Sở Công Thương, Chương trình kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của TP. HCM như: Kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch…
Ngoài ra, Chương trình cũng tập trung giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, hiệu quả từ vùng nguyên liệu đến tiêu dùng. Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Thành phố nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá, chia sẻ tại họp báo, ông Ngô Đức Toàn, Giám đốc thu mua Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết: Hiện doanh nghiệp đang triển khai 2 chương trình bình ổn giá đặc biệt với hàng trăm mặt hàng thiết yếu tại tất cả các trung tâm MM trên toàn quốc, đó là: “Giá sỉ” dành cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống và “Khóa giá” dành cho hơn 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu.
“Sự kiện hướng đến hỗ trợ kiểm soát áp lực lạm phát, bình ổn giá phục vụ đời sống hàng ngày của người dân, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng tưởng nền kinh tế quốc dân”, ông Ngô Đức Toàn bày tỏ./.
Nguồn: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-nhieu-diem-moi-chuong-trinh-binh-on-thi-truong-nam-2023-248894.html
11
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết