(CHG) Ở Việt Nam, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đất nước. Trong đó nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của các tổ chức, quốc gia. Nguồn nhân lực được coi là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực.
Đáp ứng được nguồn nhân lực phục vụ cho ngành thương mại điện tử (TMĐT) của nước ta hiện nay vừa là cơ hội, vừa là thách thức với công tác đào tạo. Phóng viên Tạp chí Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại đã có buổi trao đổi với TS. Đàm Thanh Tú, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Số, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển về vấn đề này.
- PV: Thưa ông, mục tiêu quan trọng liên quan đến nguồn nhân lực TMĐT của Việt Nam giai đoạn hiện này là gì?
- TS. Đàm Thanh Tú: Theo quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, cần đạt được 2 mục tiêu quan trọng liên quan đến nguồn nhân lực TMĐT, đó là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT, và có một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý Nhà nước, sinh viên được tham gia đào tạo kỹ năng về ứng dụng TMĐT.
- Những yêu cầu cơ bản đối với đội ngũ này là gì thưa ông?
- Về lý thuyết, nguồn nhân lực TMĐT là sự giao thoa giữa công nghệ thông tin và kinh tế, nên đặc thù nguồn nhân lực TMĐT sẽ cần phải có những kiến thức về phân tích, thiết kế, xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin trong TMĐT; biết cách triển khai và quản trị hoạt động TMĐT trong doanh nghiệp; xây dựng chiến lược và lập kế hoạch kinh doanh TMĐT; tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm đánh giá hiệu quả của hoạt động kinh doanh và ra quyết định trong TMĐT,…
- Cơ hội việc làm đối với các bạn trẻ về ngành nghề này ra sao thưa ông?
- Có thể thấy rằng, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam ở mọi lứa tuổi đã quen với việc mua sắm trực tuyến tại các nền tảng bán hàng TMĐT như: Tiki, Lazada, Shopee… hay mới đây là Tiktokshop (là cửa hàng tích hợp của nền tảng mạng xã hội Tiktok). Xu hướng lựa chọn Internet làm kênh mua sắm và giao dịch ngày một lớn mạnh chính là cơ hội cho đội ngũ nhân lực trẻ lựa chọn con đường cho phát triển sự nghiệp của mình. Việc theo học ngành TMĐT là một lựa chọn thông minh cho những bạn trẻ yêu công nghệ, thích kinh doanh và sẵn sàng “bùng nổ” với vô số những ý tưởng sáng tạo.
Phần lớn các trường đại học của Việt Nam bắt đầu đào tạo cử nhân TMĐT trong giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đào tạo cử nhân TMĐT khác biệt hẳn so với đào tạo cử nhân ngành công nghệ thông tin, hay hệ thống thông tin quản lý. Do đó, hầu hết các trường đại học đã giao cho các khoa quản trị kinh doanh, kinh tế, kinh doanh quốc tế, kinh tế số,… đào tạo cử nhân thương mại điện tử.
Việc tuyển sinh của các trường đại học đối với ngành TMĐT là khá thuận lợi, do ngành học này hấp dẫn, thu hút được đầu vào chất lượng tốt với điểm chuẩn đầu vào là khá cao (năm 2022 điểm chuẩn dựa trên tổ hợp 3 môn trong kỳ thi THPT quốc gia ngành TMĐT của Đại học kinh tế quốc dân là 28,1; Đại học thương mại là 27; Học viện Bưu chính Viễn thông là 26.35; Trường Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh là 25.95; Đại học Công nghiệp TP. HCM là 25.5; Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM là 26; Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng là 26, Đại học Thủy Lợi là 25.4, Đại học Điện lực là 25.5, Học viện Chính sách và Phát triển 24.6…).
Những con số ấn tượng cho thấy ngành TMĐT rất hot và đầu vào nhu cầu sinh viên theo học ở các trường đại học mong muốn rất nhiều (Ảnh minh họa).
- Khó khăn và thách thức trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực này như thế nào?
- Các trường đại học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về đào tạo ngành TMĐT, trong đó đội ngũ giảng viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng; giáo trình và học liệu còn ít (có tới 67% các trường đại học sử dụng giáo trình của nước ngoài); việc giảng dạy và học tập diễn ra đơn lẻ tại từng trường, chưa có các hoạt động giao lưu học thuật và trao đổi sinh viên ngành TMĐT trên phạm vi cả nước; hoạt động đào tạo gắn kết với thực tiễn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc hỗ trợ các sinh viên có được vị trí thực tập phù hợp tại các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu.
Có thể thấy tuy nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực TMĐT là rất cấp thiết, nhưng việc đảm bảo chất lượng nguồn lao động cũng vẫn được các nhà tuyển dụng ưu tiên đặt lên hàng đầu. Hiện nay, sinh viên ra trường có kỹ năng về TMĐT nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giao thương hay trình độ ngoại ngữ còn yếu và chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu của các doanh nghiệp.
Do đặc thù của nhân sự trong ngành TMĐT là sự giao thoa, kết hợp giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ thông tin, nên nguồn nhân lực TMĐT không chỉ cần thông thạo về ngoại ngữ, để thực hiện các thao tác giao dịch trực tuyến với các đối tác, mà còn phải có hiểu biết về các thị trường tiềm năng và kinh nghiệm giao thương quốc tế. Bên cạnh đó, kiến thức về dịch vụ sau bán hàng cũng là yếu tố không thể thiếu.
- Đâu là động lực để hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng vận hành chuyên nghiệp?
- Vào ngày 21/9/2022, theo quyết định số 028/2022/VECOM-MLĐT của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã chính thức chứng nhận Học viện Chính sách và Phát triển (viết tắt APD), là “thành viên mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử”. Đây có thể nói là một bước tiến mới cho thấy nguồn nhân lực phục vụ cho ngành TMĐT của Việt Nam hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học nói chung và APD nói riêng, là động lực để hoạt động TMĐT ở Việt Nam ngày càng vận hành chuyên nghiệp, bài bản với đội ngũ nhân sự có trình độ cao,…
Theo số liệu năm 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, khảo sát tại 132 trường trên cả nước thì có tới 36 trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học, 40 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT, hơn 50 trường đào tạo có môn học TMĐT thì có khoảng 95% sinh viên ngành TMĐT của các trường đại học sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay, điều này phản ánh được nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn hiện nay và trong cả tương lai.
Tuy nhiên cần tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, cả theo hình thức chính quy và không chính quy đều là những vấn đề lớn cần được quan tâm trong giai đoạn tới, vì TMĐT là một thành phần tất yếu của nền kinh tế số, không phải chỉ là xu hướng nhất thời.
- Để nguồn nhân lực thương mại điện tử của nước ta ngày càng có trình độ cao, theo ông cần những yếu tố nào?
- Để nguồn nhân lực TMĐT của nước ta ngày càng có trình độ cao và đáp ứng nhu cầu công việc cả ở trong nước và quốc tế, cần có sự đồng hành sát sao của cả 4 đối tượng đặc biệt quan trọng đó là: Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - cơ sở giáo dục đại học - người lao động.
Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong TMĐT. Đặc biệt là Chính phủ chỉ đạo các bộ/ngành cần đưa ra các chính sách thuế phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động TMĐT ở Việt Nam; tổ chức các tọa đàm, diễn đàn trực tuyến, trực tiếp cho thanh thiếu niên; phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao ý thức của thanh niên về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các nền tảng số.
Thứ hai, cần tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, từ khâu tham vấn, định hướng về giáo trình, nội dung kiến thức, dung lượng đào tạo đến khâu tuyển dụng đầu ra, đồng thời hỗ trợ các nhân sự của doanh nghiệp chưa được đạo tạo chuyên sâu về TMĐT tham gia thêm các khóa tập huấn đào tạo thêm về lĩnh vực TMĐT và kinh tế số, để phát huy tối đa tiềm năng của doanh nghiệp.
Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học cần đã và đang đổi mới các chương trình đào tạo, phương thức đào tạo theo hướng gắn liền với xu thế phát triển của công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, phải xây dựng các mô hình ứng dụng ảo các tình huống giao dịch TMĐT để giúp người học dễ dàng nắm vững quy trình, các vấn đề phát sinh (bảo mật thông tin, xử lý khiếu nại...). Đặc biệt tham gia hoạt động sâu mạng lưới các trường đại học đào tạo ngành TMĐT và Kinh tế số (VECOMNET), để học tập/chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi tài liệu giáo trình, đào tạo giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực TMĐT, và thảo luận các định hướng phát triển trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực TMĐT.
Thứ tư, nguồn nhân lực người lao động đang làm trong ngành TMĐT có năng lực, trình độ cao chính là thể hiện sự phát triển trong “xã hội số” hiện nay. Trước sự đòi hỏi cao về nhu cầu của các doanh nghiệp TMĐT, người lao động cần luôn ý thức phải nâng cao trình độ, kinh nghiệm về các vấn đề mới liên quan đến công nghệ; trải nghiệm các giao dịch, củng cố kinh nghiệm bằng việc tham gia thực tập hoặc làm việc thực tế tại các sàn TMĐT; nhanh chóng thích ứng, nắm bắt, phát triển năng lực, kỹ năng về chuyển đổi số và TMĐT để có thế cạnh tranh trên thị trường lao động, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông!
0