Tóm tắt:
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 (khi có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên là 10,1% so với tổng số dân) và với xu hướng ngày càng nhanh, điều đó dẫn đến cơ hội và thách thức rất lớn về cả kinh tế - xã hội. Bài viết nhằm phân tích thực trạng già hóa dân số, đánh giá cơ hội và thách thức của già hóa dân số, từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số ở nước ta.
Từ khóa: dân số, già hóa dân số, chính sách, dân số Việt Nam.
Theo quan niệm hiện nay, thời kỳ dân số vàng là thời kỳ tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” chiếm ít nhất 66%, nghĩa là chiếm 2/3 tổng dân số trở lên thì được coi là quốc gia có “cơ cấu dân số vàng” hay đơn giản là “dân số vàng”, hoặc theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA, 2010), thì “dân số vàng được hiểu là có ít nhất hai người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) có một người phụ thuộc (dưới 15 và trên 60 tuổi)”[1]. Với quan niệm trên, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ năm 2007 (tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 67,31%)[2].
Điều đó có thể minh chứng ở số liệu về cơ cấu dân số Việt Nam theo nhóm tuổi từ năm 1979 đến năm 2009 ở Bảng 1.
Bảng 1. Cơ cấu dân số Việt Nam theo nhóm tuổi giai đoạn từ 1979-2019
(Đơn vị tính: %)
Nguồn: UNFPA, 2010 và Tổng cục Thống kê, 2019
Với dữ liệu ở Bảng 1 cho thấy, tính đến năm 2009, cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của Việt Nam đã thay đổi theo hướng tỷ lệ trẻ em (0-14 tuổi) ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-64 tăng nhanh và tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cũng tăng không ngừng. Năm 2019, tỷ lệ này lần lượt là 23,6% ở lứa tuổi (0-14), 68,7% ở lứa tuổi 15-64 và 7,7% ở tuổi 65 trở lên.
Sau giai đoạn dân số vàng thường sẽ là giai đoạn già hóa dân số, theo UNFPA (2010): “Dân số một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân”.[3]
Còn theo Luật Người cao tuổi năm 2009: “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”[4], với quan niệm đó, ở Việt Nam dân số cao tuổi được hiểu là dân số từ 60 tuổi trở lên. Dân số cao tuổi là một bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu trong tổng thể dân số. Dân số cao tuổi cùng với bộ phận dân số trẻ (0-14 tuổi) và bộ phận dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) cấu thành nên tổng thể dân số của nước ta. Số liệu ở Biểu đồ 1 được thống kê cụ thể hơn theo quan niệm của Luật Người cao tuổi năm 2009, cho thấy sự biến động của cơ cấu dân số theo nhóm tuổi trong giai đoạn từ năm1980 đến năm 2021.
Biểu đồ 1: Cơ cấu dân số Việt Nam theo 3 nhóm tuổi, từ năm 1980 đến năm 2021
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả
Số liệu ở Biểu đồ 1 cho thấy, tỷ lệ nhóm tuổi 0-14 tuổi ở Việt Nam có xu hướng giảm dần, theo đó năm 1980 tỷ lệ nhóm tuổi này chiếm 42,55%, đến năm 2021 tỷ lệ này giảm còn 24,1%. Những số liệu này cho thấy có nguyên nhân từ chủ trương kế hoạch hóa dân số, đồng thời cũng phản ánh tỷ lệ sinh ngày càng giảm, đồng thời tỷ lệ gia nhập lực lượng lao động (từ 15 đến 59) có xu hướng tăng (từ mức 50,49%) lên mức 63,1% (năm 2021). Tuy nhiên, số liệu của Biểu đồ 1 cũng cho thấy tỷ lệ số người gia nhập nhóm tuổi 60 trở lên ngày càng tăng, năm 1980 chỉ chiếm 6,96% thì đến năm 2019 tỷ lệ nhóm này là 11,9%, năm 2021 chiếm 12,8% và số liệu mới nhất từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, đến ngày 9/2/2023, cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân ((cao hơn 10% tổng số dân). Tình hình này cho thấy thành tựu rất to lớn của công cuộc “đổi mới” đất nước trong những năm qua, người dân có điều kiện tốt hơn, dẫn đến tuổi thọ tăng nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế. Tuổi thọ của người dân ở nước ta liên tục được cải thiện năm 1999 là 68,6 tuổi, năm 2021 là 73,6 tuổi. Tuy nhiên, với số liệu trên cũng cho thấy Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam cũng được khẳng định thông qua chỉ số già hóa (số người cao tuổi trên 100 trẻ em dưới 15 tuổi) ở Biểu đồ 2.
Biểu đồ 2: Chỉ số già hóa dân số của Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Với Biểu đồ 2 cho thấy, năm 2009 cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi thì có khoảng 35 người từ 60 tuổi trở lên, thì đến năm 2014 số người 60 tuổi tăng lên là 43 người. Năm 2021, chỉ số này là 53,1 (tăng so với năm 2009 là 17,6%), có nghĩa, cứ 100 trẻ dưới 15 tuổi thì năm 2021 có tới 53 người có độ tuổi từ 60 trở lên, điều đó cho thấy xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng.
Với tốc độ già hóa dân số như trên, dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.[5]
So sánh tương quan với các nước trên thế giới, Việt Nam đang có tốc độ già hóa rất nhanh, thậm chí là quốc gia có tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Biểu đồ 3: So sánh thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già
giữa Việt Nam và một số quốc gia
(Đơn vị tính: Năm)
Nguồn: Bộ Y tế, 2020
Biểu đồ 3 cho thấy, nếu như các quốc gia phát triển mất một thế kỷ hoặc hàng thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (7%) sang dân số già (14%) như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)… thì Việt Nam chỉ mất 20 năm.
Theo Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”[6].
Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh chóng như những phân tích ở trên sẽ mang lại cơ hội và không ít những thách thức đối với kinh tế - xã hội của nước ta, cụ thể:
Cơ hội:
Thứ nhất, với xã hội có xu hướng tăng số người cao tuổi, nếu tận dụng tốt sẽ phát huy được kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, sản xuất,… của người cao tuổi, điều đó sẽ mang lại những giá trị phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, ở Việt Nam: “Trong tình hình mới hiện nay, quá trình già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, cùng với tuổi thọ bình quân ngày càng cao; lực lượng người cao tuổi ngày càng nhiều hơn, đông hơn; đó là phúc lớn cho dân tộc”[7].
Thứ hai, quá trình già hóa dân số sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế về các sản phẩm, dịch vụ cho người già như: chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giải trí, cơ sở dưỡng lão ngoài công lập, ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi.
Thứ ba, đối với người cao tuổi, nếu vẫn được tham gia vào lực lượng lao động một cách phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe, người cao tuổi sẽ nâng cao được tính độc lập, giảm phụ thuộc kinh tế vào con cháu. Ngoài ra, quá trình này cũng sẽ giúp tăng thêm sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.
Thách thức:
Thứ nhất, già hóa dân số tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, theo đó làm cho sự tăng trưởng của lực lượng lao động giảm, dẫn đến tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng sẽ tạo sức ép lên quản lý kinh tế - xã hội của đất nước, từ việc đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, giảm sự bất bình đẳng và phân biệt trong xã hội.
Thứ ba, già hóa dân số cũng gây nên sức ép đối với nguồn lực tài chính của nhà nước trong việc đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Thứ tư, già hóa dân số cũng tạo ra thách chức về điều chỉnh thị trường lao động, việc làm, giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong thời kỳ dân số già.
Thứ năm, thách thức đối với hệ thống chăm sóc y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”[8].
Trước bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, với những phân tích về cơ hội và thách thức như trên, đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp chính sách kịp thời, cả ngắn và dài hạn, để có thể thích ứng với già hóa dân số. Cụ thể:
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số, bảo vệ quyền của các cá nhân khi về già, giúp người cao tuổi hòa nhập xã hội trong các môi trường phát triển, đặc biệt là các chính sách liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm và đảm bảo tài chính.
Thứ hai, hướng đến xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi và coi người cao tuổi là một nhóm xã hội cần nhận sự chăm sóc từ các chủ thể bao gồm nhà nước, gia đình và cộng đồng cũng như các dịch vụ từ thị trường. Các địa phương cần đồng thời quan tâm xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp đặc điểm nhóm xã hội người cao tuổi về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội các vùng miền; vừa chú trọng phát huy vai trò người cao tuổi trong đóng góp phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở cộng đồng và gắn kết với gia đình.
Thứ ba, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cùng với tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhằm bảo đảm và nâng cao thu nhập cho người cao tuổi thông qua tạo việc làm và phúc lợi hưu trí.
Thứ tư, phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng, chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình.
Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (2010). Tận dụng cơ hội dân số “vàng” ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách. Hà Nội, tháng 12/2010.
[2] Tổng cục Thống kê (2007). Niên giám thống kê.
[3] Quỹ dân số Liên hiệp quốc (2010). Tận dụng cơ hội dân số “vàng” ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách. Hà Nội, tháng 12/2010.
[4] Điều 2, Luật Người cao tuổi năm 2009.
[5] Tổng cục Thống kê (www.gso.gov.vn)
[6] UNFPA (2012). Báo cáo tóm tắt “Già hóa trong Thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức”.
[7] TTXVN (2022). Phát biểu của Tổng Bí thư tại buổi gặp mặt các đại biểu về dự Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam. Truy cập tại: https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-buoi-gap-mat-cac-dai-bieu-ve-du-dai-hoi-vi-hoi-nguoi-cao-tuoi-viet-nam-20220113183441572.htm
[8] Văn kiện Đại hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Opportunities and challenges from the population ageing issue
and solutions for Vietnam
Mai Dinh Lam
National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus
Abstract:
Vietnam officially entered the phase of population ageing in 2011, when the number of people aged 60 and over accounted for 10.1% of the country’s total population. Vietnam’s population ageing rate is increasing, leading to huge socio-economic challenges. This paper analyzes the current population ageing in Vietnam and evaluates the opportunities and challenges of this issue. Based on the paper’s findings, some policy solutions are proposed to help Vietnam adapt to population ageing.
Keywords: population, population ageing, policy, Vietnam's population.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19 tháng 9 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết