(CHG) Ngày 24/2, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và USAID phối hợp tổ chức, các hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của ngành Hải quan.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.H
Kéo giảm thời gian thông quan
Đánh giá kết quả thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Ban pháp chế VCCI đã thực hiện khảo sát 3.600 doanh nghiệp XNK trên cả nước nhằm tổng kết đánh giá kết quả về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp XNK.
Kết quả khảo sát cho thấy, ngành Hải quan và các bộ ngành có những thay đổi rất tích cực. Liên quan đến việc thông quan hàng hóa không chỉ của cơ quan Hải quan mà có sự tham gia của các bộ ngành khác. Trên thực tế, kết quả đo thời gian giải phóng hàng tại cửa khẩu chỉ có trên 30% thời gian thông quan liên quan đến thủ tục hải quan, còn lại của các bộ, ngành khác. “Chính vì thế, sự nỗ lực của ngành Hải quan trong thời gian qua để kéo giảm thời gian thông quan là rất trân trọng, cơ quan Hải quan sẵn sàng lắng nghe để thay đổi và kết quả mang lại rất rõ rệt, được doanh nghiệp đánh giá cao” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo VCCI, các doanh nghiệp được khảo sát cũng đánh giá cao hình thức cung cấp thông tin trực tuyến hơn các hình thức truyền thống. Cụ thể, gần 54% doanh nghiệp tiếp nhận thông tin qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan; 52,6% doanh nghiệp tiếp nhận thông tin qua trang thông tin điện tử của các cục hải quan địa phương; trên 51% doanh nghiệp tiếp nhận qua cổng thông tin thương mại quốc gia…
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận thông tin qua hình thức truyền thống, như: Tham dự hội nghị đối thoại do cơ quan Hải quan tổ chức; trực tiếp gặp đề nghị cung cấp thông tin; tham gia các lớp tập huấn do cơ quan Hải quan tổ chức; qua tờ rơi, ấn phẩm của cơ quan Hải quan phát hành… chiếm trên 40%.
Ngoài kết quả khảo sát nêu trên, tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp XNK lớn đều đánh giá cao kết quả cải cách thủ tục, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… của ngành Hải quan. Các doanh nghiệp cho rằng, các chương trình quản lý hiện đại, các ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, thủ tục hải quan đã đơn giản nhiều, kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, trong thời gian qua, EuroCham đại diện cho các doanh nghiệp đưa ra nhiều vấn đề vướng mắc kiến nghị với các sở, ban, ngành TP. HCM, nhưng vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan ít nhất. “Đó là kết quả của quá trình cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng các chương trình quản lý hiện đại, cũng như sự lắng nghe, chia sẻ thực hiện cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo Cục Hải quan TP. HCM” - đại diện EuroCham nhấn mạnh.
Cần sự đồng bộ của các bộ, ngành
Theo đánh giá của lãnh đạo VCCI, hoạt động XNK đã được Đảng và Nhà nước xác định đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục XNK, gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.H
Tuy nhiên, lãnh đạo VCCI cũng chỉ ra rằng, mặc dù đã đạt được những thành công và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thì thực tế cho thấy, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực thương mại qua biên giới.
Theo kết quả thông kê, tỷ lệ doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận thông tin vẫn còn nhiều. Khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tìm thông tin thủ tục hành chính, trong đó phần nhiều là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động có quy mô lớn.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, các doanh nghiệp phản ánh khá nhiều về những bất cập trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Các doanh nghiệp cho rằng, trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp. Theo các doanh nghiệp, trình tự, thủ tục có nhiều khác biệt tùy theo bộ ngành quản lý và loại hình hàng hóa.
Doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, cách hiểu và cách triển khai của các bộ ngành lại chưa thống nhất.
Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Các bộ, ngành cần xem xét giảm số nhóm sản phẩm, giảm số lượng dòng hàng cần kiểm tra và giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Việc kiểm tra cần thực hiện triệt để theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, kiểm tra theo xác suất…
Tại hội nghị, đại diện các vụ, cục của Tổng cục Hải quan đã giải đáp một số câu hỏi vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp XNK liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, mã HS, xử phạt vi phạm hành chính… |
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-danh-gia-cao-cong-tac-hien-dai-hoa-cai-cach-chuyen-doi-so-cua-nganh-hai-quan-171868.html
1
100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, từ ngọn đèn nhỏ đến ngọn lửa thời đại
(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết
Báo chí cách mạng, ngòi bút kiên cường trên mặt trận chống hàng giả, gian lận thương mại
(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết