TÓM TẮT:
Sau hai năm Covid-19 và 2 năm đối mặt với những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu, tình hình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở phân tích những kết quả thống kê tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong những năm qua, tác giả đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Từ khóa: doanh nghiệp, vốn đầu tư, thành lập, giải thể, vốn tín dụng.
Trong bối cảnh hậu quả của đại dịch COVID-19 chưa khắc phục được hết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm. Lạm phát tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam. Giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định. Hoạt động sản xuất - kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút FDI... gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề thị trường, đơn hàng, đơn giá, đặc biệt thị trường xuất khẩu tiếp tục sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc thiếu đơn hàng, chỉ đảm bảo khoảng 35-50% năng lực sản xuất, những đơn hàng còn tồn cũng bị đối tác hoãn, giãn giao hàng. Đặc biệt khi 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là để nhập nguyên liệu sản xuất. Giá nguyên liệu tăng tạo sức ép lên tỉ giá, giá thành sản xuất. Lãi suất tiền gửi và lãi suất vay trong hệ thống ngân hàng tăng cũng làm tăng chi phí vốn sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh. Điều này khiến doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Hậu quả là doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hậu Covid. Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giảm các thủ tục hành chính để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt khó và hoàn thành mục tiêu đặt ra của năm 2024.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước năm 2023 có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên còn chậm và vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Về số lượng doanh nghiệp thành lập và giải thể năm 2023
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Quý I/2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022 (33.191 doanh nghiệp). Trong các quý tiếp theo, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40 nghìn doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Quý IV/2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 đạt 217,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022; 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 1.052.575 lao động, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 cho thấy: có 69,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và ổn định so với quý III/2023 và 30,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Cũng trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,6%). Chỉ có khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường. Trong số các doanh nghiệp giải thể, phần nhiều có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; do thị trường có nhiều biến động, cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng; công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh.
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp có xu hướng tăng
Tổng số vốn đăng ký năm 2023 là 1.521,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% về vốn đăng ký so với năm trước. Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các Quý của năm 2023: Quý I đạt 310.331 tỷ đồng; 397.126 tỷ đồng; Quý II 379.319 tỷ đồng trong Quý III và Quý IV đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với năm trước, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của hơn 46 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn là 2.036,6 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8%.
Theo báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.349 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 4,05 tỷ USD và 2.102 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước. (Xem Biểu đồ)
Biểu đồ: Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm trước. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm trước. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần); Còn lại là các ngành khác.
Những con số trên cho thấy hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể kể tới các giải pháp như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dần có đà phục hồi ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160.000 doanh nghiệp. Có thể nói, đây là sự cộng hưởng của nỗ lực của doanh nghiệp và quyết tâm của Chính phủ.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều. Quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có sự gia tăng mạnh mẽ. Những rào cản, khó khăn lớn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi. Chi phí sản xuất - kinh doanh cũng cao hơn trước làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Chất lượng các quy định pháp luật cũng ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, bức tranh kinh tế của thế giới cũng như Việt Nam sẽ còn có rất nhiều khó khăn và thách thức, do đó việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển là điều tất yếu. Vì thế, các cơ quan chức năng, bộ, ngành, địa phương, cũng như các cơ quan quản lý cần rà soát lại các văn bản, đơn giản hóa các thủ tục hành chính chính, giảm các giấy phép cũng như các quy định quá chặt chẽ, không hợp lý. Đặc biệt phải tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng bình đẳng, thông thoáng để doanh nghiệp có thể vận dụng năng lực khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động.
Song song đó, đối với doanh nghiệp, cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo đưa ra các sản phẩm mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng. Tiếp tục đổi mới công nghệ để thích ứng được với những đòi hỏi của các đối tác, đồng thời nâng cấp các sản phẩm hiện có của mình để tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn FDI.
Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từng bước mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó là phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực FDI vào Việt Nam. Bởi, đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ và nổi lên các xu thế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, qua đó thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, từng bước tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiên phong đổi mới sáng tạo.
Tài liệu tham khảo:
Solutions to support businesses overcome challenges in 2024
Master. Le Minh Thanh
Faculty of Accounting - Auditing, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
After two years of COVID-19 and two years of facing global macroeconomic instability, enterprises are facing many difficulties. By analyzing statistics about the performance of businesses in recent years, this paper proposed solutions to help businesses overcome challenges.
Keywords: enterprises, investment capital, establishment, dissolution, credit capital.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 5 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết