Giải quyết dứt điểm tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân


(CHG) Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một số ĐBQH đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp bảo đảm triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Làm tốt công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu số 
Nêu thực trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại diễn ra vẫn khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ gây phiền hà cho người dân, ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm (Tiền Giang). Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho biết, hiện nay, có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó, đối với 3 mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này như thế nào?
Liên quan đến tình trạng mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dữ liệu cá nhân là tài sản cá nhân, được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin. Thời gian qua, người dân cũng khá dễ dãi trong việc khai thông tin cá nhân cho các đơn vị bán lẻ. Chỉ ra thực tế này, Bộ trưởng nêu rõ, bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trước hết liên quan đến nhận thức của người dân và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp thực hiện thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân của khách hàng cần bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong thu thập, sử dụng, chia sẻ thông tin - việc này còn hạn chế.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra chương trình trong năm 2022 tiến hành thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về việc thu thập, xử lý, bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân của khách hàng; năm 2023 Bộ sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp bưu chính và các mạng xã hội, kể cả mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó, Bộ Công an đang trong những bước cuối cùng hoàn tất việc trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tiến tới cần sớm có một đạo luật về lĩnh vực này.
Đặc biệt là vấn đề xử lý, răn đe. Nêu vấn đề này, Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua đã tăng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, mức phạt vẫn còn khá thấp so trên thế giới. Đối với các nước khác, mức xử phạt không được tính dựa trên con số tuyệt đối mà dựa trên doanh thu: có nước áp dụng mức phạt từ 6-10% doanh thu, có nghĩa rằng mức phạt có thể lên tới 10 tỷ USD. Vì vậy, Bộ trưởng cũng mong muốn Quốc hội xem xét điều chỉnh mức phạt cho phù hợp.
Bộ trưởng cho biết thêm, năm 2022, có 11 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra về việc thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân và đã chuyển 2 vụ việc sang Bộ Công an để xử lý hình sự. Năm 2023, Bộ dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ lấy năm 2023 làm Năm Dữ liệu số Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và làm tốt công tác bảo vệ dữ liệu số.
Doanh nghiệp số trong nước đáp ứng tốt yêu cầu về chuyển đổi số 
Theo Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát triển hạ tầng số, hạ tầng Internet, bảo đảm triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số trong ngành giáo dục. ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành đối việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án, nhất là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa?
Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La). Ảnh: Hồ Long.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng khẳng định, hạ tầng viễn thông, internet và các công nghệ thông tin để cho bà con vùng sâu vùng xa có thể sử dụng điện thoại di động, theo dõi tin tức, học tập qua các nền tảng này đã đáp ứng được nhu cầu của bà con. Hiện nay, cáp quang đã được đưa đến 93% các thôn bản. Việt Nam là một trong số ít các nước có tỷ lệ phủ sóng internet đến cấp thôn, bản cao như vậy và giá cả dịch vụ viễn thông, internet ở nước ta cũng nằm trong “top 20” trên thế giới. Trung bình 1 người dân Việt Nam trả khoảng 55.000 đồng/tháng cước internet, tương đương 2,6 USD/tháng, bằng khoảng 1/3 so với mức cước của các nước lân cận trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia…
Về khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước trong việc phát triển các nền tảng số để phục vụ cho ngành giáo dục, Bộ trưởng khẳng định, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đáp ứng tốt, với giá rẻ hơn so với nước ngoài. “Chúng ta có các doanh nghiệp số Việt Nam còn đi làm chuyển đổi số cho các nước như Nhật, Mỹ thì không cớ gì chúng ta không làm được cho Việt Nam? Vấn đề là các Bộ, ngành, địa phương cần đặt ra nhiều bài toán hơn nữa và bài toán càng thách thức bao nhiêu, càng khó bao nhiêu thì doanh nghiệp số của Việt Nam càng phát triển”.
Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng cho biết, cách đây 4 năm, số lượng doanh nghiệp số của Việt Nam dưới 40.000 và đến nay con số này tăng lên khoảng 75.000 doanh nghiệp. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 chúng ta sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Những doanh nghiệp này chỉ mong muốn có nhiều việc, nhiều bài toán. Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu và cử tri đặt niềm tin vào các doanh nghiệp số của Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn và nhấn mạnh một trong những cách để đất nước nước ta “tự lực, tự cường” chính là làm cho các doanh nghiệp trong nước mạnh mẽ bằng cách giao việc cho họ.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-thu-thap-mua-ban-trai-phep-du-lieu-thong-tin-ca-nhan-i305957/

Còn lại: 1000 ký tự
Cơ cấu lại ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị

CHG - Là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm… cho cả nước, vùng Đông Nam Bộ trở thành “đầu tàu” phát triển kinh tế của cả nước nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Thời gian tới, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là định hướng phát triển quan trọng để ngành công nghiệp của vùng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Xem chi tiết
Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn

Bài báo nghiên cứu "Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn" do Đỗ Huyền Linh (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

Xem chi tiết
TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp kêu cứu vì bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua liên tục bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm kính mắt nhãn hiệu Phoenix.

Xem chi tiết
Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới (kỳ 2)

​CHG - Trong giai đoạn tới, tuy còn nhiều biến động về địa - chính trị, nhưng xu thế chung là khoa học - công nghệ trên thế giới sẽ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của các quốc gia. Các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhất là trong thương mại, đầu tư, nhân lực, khoa học - công nghệ. Tình hình này đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động và sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để lãnh đạo phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Xem chi tiết
Việc thừa nhận tư cách pháp lý cho luật sư robot - góc nhìn của các quốc gia và thực tiễn tại Việt Nam

Đề tài Việc thừa nhận tư cách pháp lý cho luật sư robot - góc nhìn của các quốc gia và thực tiễn tại Việt Nam do Thái Lâm Ngọc (Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3