Hoàn thiện và phát triển Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam


Đề tài Hoàn thiện và phát triển Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam do PGS. TS. Vũ Sĩ Tuấn - SV. Đoàn Thị Thu Hiền - SV. Lại Bảo Ngọc - SV. Trương Cẩm Ly - SV. Sòi Nguyệt Minh - SV. Phạm Thị Vân Ngọc (Trường Đại học Ngoại Thương, TP. Hà Nội)

Tóm tắt:

Trong quá trình hội nhập và phát triển thương mại quốc tế, Sở Giao dịch Hàng hóa có vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu ảnh hưởng tới việc điều tiết của dòng lưu chuyển hàng hóa quốc tế, xác định xu hướng thị trường và đưa ra những dự báo, nhận định về giá hàng hóa trên thị trường quốc tế. Hiện nay, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) là cổng kết nối trung gian uy tín và duy nhất của Việt Nam góp phần thúc đẩy hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) vẫn chưa được ứng dụng và phổ biến với đại đa số người dân. Vì vậy, bài viết trên nhằm phân tích thực trạng, vai trò và đề xuất những định hướng, giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, đề xuất bổ sung một số mặt hàng giao dịch… giúp hoàn thiện và phát triển Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).

Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Hoàn thiện và phát triển Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam”, được tài trợ bởi Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Từ khóa: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, thị trường phái sinh.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD) (Tổng cục Thống kê, 2023). Có thể thấy rõ, sự tăng trưởng của hàng hóa trong nước cũng đi kèm với nhu cầu trao đổi mua bán nội địa và xuất khẩu tăng nhanh. Vì vậy, người mua và người bán cần có bên trung gian uy tín để đảm bảo việc trao đổi, mua bán được diễn ra minh bạch hiệu quả hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng cần có một cầu nối để có thể giao thương với quốc tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có một công cụ hiệu quả để quản lý, kiểm soát giá cả và thị trường giao dịch.

Tuy nhiên, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hiện nay chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm và tận dụng tối đa những chức năng hiệu quả mà nó mang lại. Vì vậy, MXV cần được phát triển nhiều hơn nữa để có thể phát huy tối đa được những chức năng vốn có của nó. Vì vậy, nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài: “Hoàn thiện và phát triển Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam”.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp thống kê để tổng hợp và phân tích các tư liệu, dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu định tính, nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển Sở Giao dịch Hàng hóa tại Việt Nam.

3. Vai trò của Sở Giao dịch hàng hóa

Trong nền kinh tế hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa đóng vai trò là cổng kết nối trung gian uy tín và duy nhất của Việt Nam ra thị trường hàng hóa quốc tế, giúp cho nền kinh tế được vận hành trơn tru hơn và phát triển bền vững nhờ những vai trò như san sẻ rủi ro, định hướng sản xuất, bảo vệ nhà đầu tư và điều chỉnh giá cả trên thị trường.

Đối với quản lý nhà nước, do đặc tính tập trung, Sở Giao dịch hàng hóa còn phản ánh phần nào lượng cung cầu về một mặt hàng nhất định trong khoảng thời gian nhất định, điều này có thể được coi như một chỉ số để đánh giá nhu cầu và mức tăng trưởng của nền kinh tế. Sự minh bạch và quy định chặt chẽ trong các bước giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa giúp Nhà nước dễ dàng quản lý, kiểm tra và điều hành hoạt động mua bán.

Đối với các doanh nghiệp, thông qua MVX, người mua và người bán hàng hóa có thể thực hiện giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí giao dịch và tăng tính ổn định của thị trường. Sở Giao dịch hàng hóa giúp gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu dùng, kết nối giữa người mua và người bán, tạo thị trường mở cho các thành viên tham gia. Nhờ biết trước được giá cả dự kiến trong tương lai nên những người cần bảo hộ có thể điều tiết sản xuất, tự động cân bằng cung cầu. Hơn thế nữa, việc niêm yết giá cả công khai trên thị trường sẽ giúp cho các nhà kinh doanh không lo việc mua bán không đúng giá, ép giá.

Đối với xã hội, mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa giúp phân bổ nguồn lực xã hội tối ưu, đảm bảo phân bổ nguồn lực cho sản xuất từng mặt hàng cụ thể cân bằng với việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư được hạn chế giúp giảm thiểu rủi ro cho toàn xã hội.

4. Quá trình hình thành và phát triển của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

Năm 2006, xét theo đề xuất của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Chính phủ đã ra Nghị định về Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Tháng 9/2010, Bộ Công Thương cấp giấy phép số 4596/GP-BCT chính thức thành lập Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam với tên viết tắt là VNX. Trong giấy phép thành lập, VNX tổ chức ba mặt hàng là cà phê, cao su và thép, thông qua giao dịch hợp đồng giao ngay và giao dịch hàng hóa phái sinh.

Theo báo cáo của VNX, vào năm 2011 tổng khối lượng giao dịch của VNX đạt trên 93.000 lot với tổng giá trị giao dịch hơn 7.300 tỉ đồng, chủ yếu là giao dịch cà phê. Khoảng thời gian VNX mới đi vào hoạt động đã rất khởi sắc. Tuy nhiên, năm 2012 đã ghi nhận những sự sụt giảm nghiêm trọng. Tháng 8/2012, VNX thông báo đóng cửa tạm thời do sự cố công nghệ thông tin. Tháng 4/2018, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP được ban hành đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP tạo thành bước ngoặt cho sự phát triển của Sở Giao dịch hàng hóa. Đặc biệt, Nghị định này đã đề cập đến việc liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia giao dịch ở Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam được tham gia các Sở Giao dịch hàng hóa nước ngoài.

Trên cơ sở đó tháng 06/2018, Sở Giao dịch Hàng hóa, nêu rõ tên chính thức giao dịch trong nước là Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam và tên giao dịch quốc tế là Mercantile Exchange of Vietnam (MXV) chính thức được thành lập với trụ sở ở Hà Nội và vốn điều lệ là 150 tỷ đồng Bộ Công Thương chấp thuận hồ sơ giao dịch các hàng hóa được phép giao dịch liên thông của MXV theo các nguyên tắc của Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và Thủ tục BCT-275307 thông báo liên thông giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa nước ngoài. Ngoài ra, trong năm này, MXV đã chính thức đưa vào hoạt động hệ thống phần mềm Vision Commodity, qua đó cung ứng sản phẩm giao dịch rộng rãi tới những thương nhân có nhu cầu giao dịch phái sinh hàng hóa trong nước và quốc tế.

5. Định hướng phát triển Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

5.1. Mở rộng quy mô của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trở thành Sở giao dịch hàng hóa đứng đầu Đông Nam Á

Kể từ năm 2018, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam chính thức được liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch trên thế giới theo Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, hoạt động giao dịch tại MXV liên tục ghi nhận những bước tăng trưởng đột phá. Theo tầm nhìn và định hướng phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, MXV đã dành rất nhiều nguồn lực để xây dựng các thị trường hàng hóa chuyên biệt mà Việt Nam có thế mạnh, từ đó mở rộng quy mô của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam và vươn lên dẫn đầu khu vực. Ngày 14/08/2023, MXV đã ký kết hợp tác để xây dựng đề án thành lập Sàn Giao dịch thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh (Chung Thắng, 2023). Thời điểm này, MXV phối hợp cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) để thành lập Sàn Giao dịch cao su.

5.2. Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng các mặt hàng giao dịch

Tính đến Nông sản, Năng lượng, Kim loại và Nguyên liệu Công nghiệp (MXV,2024). Việc đa dạng hàng hóa giao dịch tại Sở sẽ giúp thu hút được nhiều đối tượng tham gia giao dịch, từ đó thúc đẩy MXV phát triển.

Ngoài ra, MXV cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trên cơ sở áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp và người dân để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng của thị trường, gồm cả thị trường trong và ngoài nước.

5.3. Xây dựng mô hình hoạt động hiện đại, chất lượng cao

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng có những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới và các hoạt động thường nhật của con người. Việc MXV thay đổi và điều chỉnh mô hình kinh doanh hoạt động để phù hợp với xu thế, thời đại là điều vô cùng cần thiết. Theo đó, MXV cần có những biện pháp, kế hoạch tiến hành hoàn thiện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam để chuyển MXV trở thành Sở giao dịch hiện đại với đội ngũ nhân viên có trình độ, chuyên môn tham gia để thúc đẩy giao dịch thông qua điện tử, internet, chất lượng, nhằm thu hút các Sở giao dịch khác trên thế giới và các nhà đầu tư.

5.4. Đưa Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam trở thành kênh giao dịch an toàn, đảm bảo lợi ích của các chủ thể tham gia giao dịch

Trong nền kinh tế thị trường nói riêng và tham gia giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa có rất nhiều đối tượng khác nhau, mỗi đối tượng đều có những vị trí và vai trò riêng trong sự phát triển của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam. Vì vậy để thu hút đa dạng các đối tượng, chủ thể kinh doanh, các nhà đầu tư thì MXV cần đảm bảo sự an toàn, lợi ích và sự minh bạch cho tất cả các đối tượng tham gia giao dịch.

Theo đó, MXV cần tạo điều kiện, đảm bảo cho các đối tượng tham gia giao dịch cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, theo đúng thể lệ, pháp lý của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, phát triển Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

5.5. Phát triển Sở Giao dịch hàng hóa phải gắn liền với mục tiêu phát triển thương mại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng thúc đẩy việc hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua việc ký kết các hiệp định FTA,... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tham gia giao dịch, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Như vậy, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cần tận dụng triệt để lợi thế trên để định hướng phát triển các ngành hàng hướng đến quy mô, phạm vi giao dịch ở cả khu vực Đông Nam Á, Châu Á và toàn thế giới, góp phần phát triển thương mại Việt Nam, đưa nền kinh tế Việt Nam đến với khu vực và thế giới.

Trước hết, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cần phát triển, phổ biến rộng rãi trong nước kết hợp với các yếu tố pháp luật, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực… để đưa Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đến gần với các nhà đầu tư, tạo thói quen giao dịch thông qua Sở, sau đó mới có thể tiến tới mục tiêu lớn hơn là vươn ra thị trường quốc tế.

6. Giải pháp phát triển Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam

Thứ nhất, nâng cao tính đại chúng, phổ biến của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam. Hiện nay, MXV đang quản lý khoảng gần 60 thành viên kinh doanh và thành viên môi giới, cùng các chi nhánh, văn phòng trên khắp cả nước. So với thị trường giao dịch hàng hóa trong và ngoài nước thì đây là một con số khá nhỏ. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cần nâng cao tính đại chúng, phổ biến của mình qua các phương tiện đại chúng, truyền thông, tổ chức các sự kiện, hội thảo, và buổi đàm thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và công dân để tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và thiết lập các cơ hội tương tác trực tiếp với doanh nghiệp thông qua cuộc họp, buổi làm việc, hoặc hội nghị.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý. Muốn phát triển bền vững lâu dài, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh giúp bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan, bao gồm thành viên kinh doanh, thành viên môi giới, bản thân sở giao dịch và các bên liên quan khác. Một hệ thống pháp lý minh bạch và dễ hiểu giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, khuyến khích họ tham gia thị trường giao dịch. Trong đó, cần hoàn thiện các quy định minh bạch, rõ ràng về điều kiện và cách thức mua bán hàng hóa tại Sở Giao dịch hàng hóa. Cần bổ sung các cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả đối với hoạt động mua bán hàng hóa nông sản tại các Sở giao dịch để hạn chế những cạnh tranh hay giao dịch không lành mạnh. Đồng thời, có chế tài đối với các hành vi vi phạm hoạt động mua bán hàng hóa tại Sở giao dịch. Nhưng những quy định, chế tài mới được bổ sung này cần sát với thực tế sử dụng, phù hợp và tạo thuận lợi cho các đối tượng cần điều chỉnh, tránh tình trạng gây khó khăn và mất thời gian của người dùng.

Thứ ba, tăng cường hợp tác, liên thông, học hỏi với các Sở Giao dịch hàng hóa trên thế giới. Hiện nay, MXV đã kết nối liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch lớn nhất thế giới bao gồm: Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago - CME Group, Sở Giao dịch liên lục địa - ICE, Sở Giao dịch Kim loại London - LME, Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka - OSE, Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore - SGX, Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia - BMD. Đây là một tín hiệu tốt và cần được phát huy mạnh mẽ. Trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ các Sở Giao dịch hàng hóa lớn và lâu đời trên thế giới về các quy trình hiệu quả và chiến lược quản lý có thể giúp tối ưu hóa quy trình nội bộ, giảm chi phí sản xuất và vận chuyển. Hợp tác với các Sở Giao dịch hàng hóa trên thế giới mở rộng cơ hội kinh doanh và thị trường tiêu thụ. Điều này giúp tăng cường sự đa dạng trong cung ứng và tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp và hàng hóa trong nước. Thêm vào đó, đây còn là cơ hội giúp Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam và các thành viên tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế, nắm bắt các tiêu chuẩn an toàn và tuân thủ quốc tế, từ đó đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.

Thứ tư, đề xuất bổ sung một số mặt hàng giao dịch. Michael Porter vào năm 1990 đã đưa ra lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia theo mô hình kim cương gồm 4 yếu tố mà ở đó, một quốc gia nên xuất khẩu những mặt hàng mà tất cả những yếu tố đó đều có điều kiện thuận lợi, bao gồm: nguồn lực có sẵn, điều kiện cầu, các lĩnh vực mang tính hỗ trợ và có liên quan và chiến lược, cơ cấu và môi trường cạnh tranh ngành. Cả chè và thủy sản đều đáp ứng đủ các yếu tố này nên nhóm nghiên cứu đề xuất niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như đưa sản phẩm chè và thủy sản lên sàn giao dịch.

7. Kết luận

Để có cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam bài nghiên cứu đã phân tích thực trạng tổ chức, kết quả hoạt động giao dịch hàng hóa phái sinh Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong đó đã giải quyết được những vấn đề cụ thể như sau:

Đã hệ thống hoá cơ sở lý thuyết về Sở giao dịch hàng hóa.

Đã đưa ra những bài học kinh nghiệm trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển Sở giao dịch hàng hóa tại các quốc gia đảm bảo tính đa dạng và phù hợp với Việt Nam.

Đã đưa ra được dự báo về bối cảnh tác động của bối cảnh thế giới và xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam đến sự phát triển Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam.

Đồng thời, nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp và một số kiến nghị cụ thể đối với từng lĩnh giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các Sở giao dịch hàng hóa thực thi trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan để xây dựng thành công loại hình kinh tế này trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo Chính phủ (2023), Chính thức giao dịch hợp đồng quyền chọn hàng hóa tại Việt Nam,<https://baochinhphu.vn/chinh-thuc-giao-dich-hop-dong-quyen-chon-hang-hoa-tai-viet-nam-102230626101657484.htm>
  2. Chung Thắng (2023), Ký kết hợp tác xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo tại Thành phố Hồ Chí Minh, <https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ky-ket-hop-tac-xay-dung-san-giao-dich-thit-heo-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-109128.htm>
  3. Đình Dân (2012) Sàn giao dịch “thoi thóp”,<https://tuoitre.vn/san-giao-dich-hang-hoa-thoi-thop-496186.htm>
  4. 4. Hường Nguyễn (2023) Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sau 13 năm thành lập,<https://congthuong.vn/so-giao-dich-hang-hoa-viet-nam-sau-13-nam-thanh-lap-269905.html>
  5. 5. Khánh Linh (2022) Giao dịch hàng hóa ngày càng phù hợp với quy mô vốn đầu tư nhỏ,<https://congthuong.vn/giao-dich-hang-hoa-ngay-cang-phu-hop-voi-quy-mo-von-dau-tu-nho-183235.html>
  6. Nguyễn Thị Nhung (2017) Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam Trường hợp giao dịch kỳ hạn cà phê. Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 33, Số 3 (2017) 74-83 <https://ueb.edu.vn/Uploads/Article/tapchi_tbbt/2018_1/File/8.%20NGUYEN%20THI%20NHUNG.pdf>
  7. Ngọc Thúy (2023). Sản xuất thủy sản toàn cầu - Phần 1, <https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/tin-t%E1%BB%A9c/-ngh%E1%BB%81-c%C3%A1-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi/doc-tin/020094/2023-12-22/san-xuat-thuy-san-toan-cau--phan-1>
  8. Tổng cục Thống kê (2023) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 <https://www.gso.gov.vn/bai-top/2023/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2023/>
  9. Porter, M.E. (1997), "COMPETITIVE STRATEGY", Measuring Business Excellence, Vol. 1 No. 2, pp. 12-17https://doi.org/10.1108/eb025476
  10. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) (2024). Thị trường giao dịch hàng hóa trên đà tăng trưởng, < https://mxv.com.vn/tin-tuc/thi-truong-giao-dich-hang-hoa-tren-da-tang-truong-n5654.html>
  11. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Tổng quan MXV <https://mxv.com.vn/thong-tin.html>

Facilitating the development of the Mercantile Exchange of Vietnam (MXV)

Assoc.Prof. Vu Si Tuan1

Doan Thi Thu Hien1

Lai Bao Ngoc1

Truong Cam Ly1

Soi Nguyet Minh1

Pham Thi Van Ngoc1

1Foreign Trade University

 Abstract:

In the process of international trade integration and development, commodity exchanges play an important role in global trade as they affect commodity flows around the world, market trends, and market forecasts about the prices of commodities in the international market. The Vietnam Commodity Exchange (MXV) is the only reputable and intermediary connecting portal for Vietnam,contributing to promoting domestic and international exchange of goods. However, not many people and businesses in Vietnam understand the MXV’s functions and roles. This paper analyzed the MXV’s current operation and proposed orientations and solutions to facilitate the development of the MXV. These solutions include the completion of the legal framework, adding more goods, etc.

Keywords: Mercantile Exchange of Vietnam, derivatives market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3