(CHG) Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”.
Chuyển đổi số để tiếp cận được cả thế giới
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số giúp tăng tốc các hoạt động kinh doanh, thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp, đòi hỏi và thúc đẩy sự cải tiến liên tục nhằm sáng tạo ra sản phẩm mới hoặc tối ưu hóa các sản phẩm đã có.
Tại Việt Nam, khái niệm “chuyển đổi số” thường được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống, sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu liệu lớn (big data), internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mấy (cloud)... nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, rút ngắn quy trình làm việc, nâng cao hiệu suất công việc.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, đã giao cho Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và trình Đề án cho Thủ tướng Chính phủ ngay từ năm 2019.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều chỉ ra rằng, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh...
Những lợi ích dễ nhận biết của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian ngắn hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng nhờ có dữ liệu được chuyển tiếp liên tục, nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên... nhờ đó, nâng cao tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.
Tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng của chuyển đổi số.
Trong khi đó, đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách làm việc và giao tiếp với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm của người dùng, với các dịch vụ do Nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.
Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: tăng tốc độ ra thị trường, tăng cường vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất của nhân viên, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Đặc biệt chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số để thấu hiểu người dân hơn. Vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, sẽ có điều kiện chăm sóc người dân tốt hơn.
Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có.
Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.
Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, có thể tiếp cận cả thế giới.
Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn.
Ảnh minh hoạ.
“Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”
Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay, thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt đến nay, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng nâng cao.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 3/2020, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.
Công cuộc chuyển đổi số đã và đang lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban (có 6 địa phương do Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo là Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Lào Cai và Bình Định).
Cũng theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai chính phủ số. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp...
Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển, chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
(Còn tiếp)
0