(CHG) Ngày nay, chuyển đổi số đang giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ đa phương tiện, đào tạo và tri thức tiên tiến. Thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khoảng cách số trong toàn xã hội sẽ được thu hẹp.
Hoàn chỉnh Chính phủ số vào năm 2025
Đây là chủ trương, giải pháp rất quan trọng nhằm tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo vận hành phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng số, thay thế cho phương thức vận hành quản lý xã hội, phát triển kinh tế truyền thống.
Theo đó, “Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển và hình thành Chính phủ số vào năm 2025”, đó là nội dung của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký phê duyệt ngày 15/6/2021.
Chiến lược đề ra năm nhóm mục tiêu cần thực hiện đến năm 2025, gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ sô tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.
Với chiến lược này, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập internet cáp quang băng thông rộng. Mỗi người dân đều có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế cấp mình trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế.
Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử; công khai giá, trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.
Đặc biệt là, mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới.
Đối với các cơ quan Nhà nước, cần thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn.
Cùng với đó, Chiến lược đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đam an toàn, an ninh mạng quốc gia. Trong đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cần được phát triển trước.
Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực. Chú trọng xây dựng dữ liệu có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, ưu tiên dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng: Hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu.
Tập trung phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập đến các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương qua một địa chỉ duy nhất trên mạng, tích hợp với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương với lộ trình phù hợp theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Như vậy, phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực, đóng góp và khai thác các tài nguyên tri thức số, góp phần vận hành quản lý xã hội nhanh, hiệu quả; tạo cơ sở quan trọng hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc.
Hình ảnh Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại nhiều tiện lợi cho người dân.
Chính phủ số mang lại lợi ích gì cho người dân?
Chiến lược phát triển Chính phủ số cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương; trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng ưu tiên thuê dịch vụ, kết nối và sử dụng hiệu quả Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Trước mắt, triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương và phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh. Đồng thời, tập trung phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân và theo các sự kiện trong cuộc đời, người dân chỉ cung cấp thông tin một lần, tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các dịch vụ số mới, đi đôi với cắt giảm một số dịch vụ không cần thiết.
Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ như trợ lý ảo, trả lời tự động. Triển khai các nội dung khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cần xem xét để giảm chi phí và thời gian cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Nhằm phát triển Chính phủ số cả về bề rộng và chiều sâu, cần quan tâm phát triển các dịch vụ đô thị thông minh phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế; trong đó ưu tiên phát triển trước các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị, như: Tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch, y tế, giáo dục, quản lý trật tự xây dựng và phải đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
Để đạt hiệu quả, cần gắn kết các dịch vụ đô thị thông minh với các dịch vụ chính quyền số. Triển khai đô thị thông minh tuân thủ khung tham chiếu ICT, kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh. Muốn vậy, các bộ, ngành lựa chọn phát triển ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia một cách phù hợp cho toàn ngành từ Trung ương đến địa phương để tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai. Từ đó dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, dịch vụ dùng chung được chia sẻ khi có nhu cầu,…
Hiện nay, ở nước ta việc chuyển đổi số, sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi trải nghiệm người sử dụng với các dịch vụ công, do Nhà nước cung cấp. Việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước.
Mặt khác, chuyển đổi số cũng đang dần thay đổi nhận thức của lãnh đạo Đảng, những người đứng đầu Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, người có khả năng quyết định hướng đi và sự thành công công nghệ số của quốc gia và tổ chức mình.
Do tính ưu việt của công nghệ số, Chính phủ nước ta đã và đang chỉ đạo quyết liệt ứng dụng chuyển đổi số vào công tác xây dựng “Nhà nước số”, “Chính phủ điện tử”. Đồng thời cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng những thành tựu của chuyển đổi số vào quá trình vận hành phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với hoạt động nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, các cơ quan chuyên trách của Nhà nước ta đã ngay lập tức áp dụng chuyển đổi số khi nhận thức được tầm quan trọng của nó.
Có thể nói rằng, về phương diện quốc gia, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu và có nhiều lợi ích thiết thực. Đặc biệt, đối với người dân, Chính phủ số đem lại lợi ích cụ thể, như: Chính phủ số, nhờ dữ liệu số và công nghệ số sẽ thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số, chăm sóc người dân tốt hơn. Ví dụ, một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh cá nhân duy nhất; đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền; đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi bị thiếu. Đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo và các quy trình chăm sóc y tế… Đó cũng là một trong những lý do, yêu cầu cấp bách, quan trọng để nước ta chuyển đổi số, phát triển Chính phủ, xã hội số.
(Còn tiếp)
0