(CHG) Thời gian qua, nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, xảy ra hiện tượng này là do doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ. Do đó cần bảo vệ thương hiệu Việt - chìa khoá để xuất khẩu nông sản.
Liên tiếp xảy ra vi phạm thương hiệu nông sản
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, một khi nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại lãnh thổ một quốc gia, thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó có quyền sử dụng nhãn hiệu, ngăn cấm các doanh nghiệp khác sử dụng nhãn hiệu của mình hoặc dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu cho sản phẩm đã được đăng ký.
Nếu sản phẩm không được bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp sản xuất sẽ bị “cướp thương hiệu” nếu doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ trước. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất sẽ mất thị phần, có khi bị kiện ngược lại bởi chính doanh nghiệp đã sở hữu bản quyền thương hiệu.
Vải thiều Bắc Giang đã được bảo hộ thương hiệu.
Câu chuyện vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… sau khi được bảo hộ thương hiệu đã cho thấy sự gia tăng uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đánh giá về việc xây dựng thương hiệu nông sản, Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ Lê Thị Thu (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Tính đến đầu tháng 8/2022, cả nước có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó, đã cấp chứng nhận cho 116 sản phẩm và cũng đã có 1.682 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Một số sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm có chứng nhận địa lý, hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới, như nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện đã có hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, song tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng.
Số lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và quốc tế còn hạn chế. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng. Nhiều doanh nghiệp ngại các thủ tục hành chính nên không đăng ký, đến khi sản phẩm bị xâm phạm bản quyền lại mất thời gian kiện tụng.
Kỹ năng quản lý nguồn lực để đảm bảo thương hiệu được bảo hộ và đẩy mạnh giá trị về thương mại trong quá trình xúc tiến thương mại của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Đó chỉ là một số lý do cơ bản cho thấy việc bảo hộ thương hiệu của nông sản Việt còn nhiều hạn chế, chưa được đánh giá đúng vai trò và giá trị kinh tế mà thương hiệu đem lại cho sản phẩm và cho doanh nghiệp. Để bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông sản, nhất là nông sản hữu cơ, cần sự thống nhất từ chính nhà sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền.
Các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng sản xuất chuyên canh.
Chung tay bảo vệ thương hiệu nông sản
Vừa qua, tại tỉnh Gia Lai có 2 sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý là hồ tiêu Chư Sê và gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang, cùng 6 sản phẩm được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể là gạo Phú Thiện, rau An Khê, rau Đak Pơ, gạo Ia Lâu – Chư Prông, phở khô Gia Lai, bò Krông Pa-Gia Lai.
Ông Nguyễn Nam Hải - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: “Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo hộ sản phẩm trong nước và quốc tế, đồng thời ghi nhận quy chuẩn sản phẩm đối với giá trị thương hiệu trên thị trường, đặc biệt rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay”.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ - Lê Thị Thu, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Cùng với đó là thúc đẩy hình ảnh thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Chuyên gia thương hiệu Vũ Xuân Trường thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu (BCSI) cho biết, để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp…
Theo đó, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng sản xuất chuyên canh; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để xây dựng thương hiệu thị trường thế giới, Công ty CP đầu tư phát triển chè Tam Đường (Lai Châu) đã chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và cải tiến mẫu mã… Sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ khâu trồng, thu hái, bảo quản cho đến chế biến và đã đạt các bộ tiêu chuẩn Organic, Halal, GMP..
Việc phát triển thương hiệu, nhãn hiệu không chỉ để nông sản Việt Nam tiến tới minh bạch, kiểm soát chất lượng sản phẩm mà còn tăng cường kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là chiến lược bảo hộ cho thương hiệu nông sản và tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
0