(CHG) Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là ba trụ cột của quá trình chuyển đổi số. Ở nước ta, xã hội số còn là một khái niệm mới mẻ, là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống. Người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Con người làm chủ công nghệ. Ảnh minh họa.
Xã hội số là một trụ cột của chuyển đổi số
Tại Việt Nam, dù chưa có đánh giá cụ thể, nhưng sự phát triển của xã hội số trong thời gian qua đã được thể hiện khá rõ qua các yếu tố “quyền công dân số, cuộc sống số và thương mại số”.
Để thực hiện quyền công dân số, Việt nam đã và đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như phát triển các kênh kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân truy cập các dịch vụ trực tuyến và giao dịch điện tử như truy cập hồ sơ y tế, xin hộ chiếu hoặc giấy phép kinh doanh, nộp thuế… để giúp tăng cường sự tương tác giữa chính phủ, người dân.
Theo số liệu thống kê, từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2021, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.096 dịch vụ công (DVC) trực tuyến (trong đó có 1.696 dịch vụ công cho công dân, 1.688 dịch vụ công cho doanh nghiệp); có trên 1 triệu tài khoản đăng ký, số hồ sơ đồng bộ trạng thái là 72 triệu hồ sơ.
Cùng với đó, Việt Nam đã đồng thời xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Theo đó, từ tháng 11/2021, quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cũng chính thức được ban hành.
Theo lộ trình của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong năm 2022, thực hiện nhóm tiện ích phục vụ công dân số, bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe,… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định pháp luật; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID, như dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử thanh toán điện tử và các dịch vụ tiện ích khác.
Với sự tiến bộ của công nghệ số, người dân Việt Nam cũng đã và đang “tận hưởng” cuộc sống số. Mặc dù dịch Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua, nhưng cũng là cơ hội để người dân làm quen với môi trường làm việc, học tập từ xa qua nhiều ứng dụng như Zoom, Team Microsoft, Google Classroom, Google meet,... và sử dụng tốt các nền tảng truyền thông xã hội để giao tiếp, trải nghiệm thực tế ảo như zalo, viber, v.v.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), ước tính đến trước tháng 12/2021, có 7,35 triệu học sinh các cấp đang tham gia học trực tuyến.
Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát thì việc học và làm việc trực tuyến, hoặc kết hợp trực tuyến vẫn là lựa chọn an toàn để học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên cả nước cũng như công việc của người dân.
Bên cạnh đó, cuộc sống số của người dân cũng ngày một phong phú hơn nhờ công nghệ internet kết nối vạn vật IoT, kết nối thông minh giữa các thiết bị và đồ dùng qua internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị định vị, theo dõi, màn hình và cảm biến cho phép gửi và nhận dữ liệu. Nhờ đó, người dân cũng đồng thời trải nghiệm công nghệ giải trí số đa sắc màu qua nền tảng số hóa tự động các loại hình phim, gameshow, video, game (trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác), eSports - thể thao điện tử,…
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương, năm 2020, tỷ lệ người dùng internet sử dụng internet để đọc báo lên tới 63%; xem phim, nghe nhạc là 43%, chơi game 19%.
Cùng với đó, người dân cũng đang tham gia mạnh mẽ vào thương mại số thông qua việc bán hàng, mua sắm online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook,… thậm chí cả người nông dân cũng đã có mặt trên các sàn điện tử nước ta. Điều này kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng trong thanh toán điện tử ở người dân.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến thời điểm cuối quý III/2021, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 100 triệu thẻ, tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành là 21 triệu thẻ. Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2021, tổng số giao dịch thanh toán nội địa qua internet và mobile Banking là trên 1.862 triệu giao dịch với tổng giá trị là 33.714 nghìn tỷ đồng. Tổng số giao dịch thanh toán qua ATM, POS/EFTPOS/EDC là trên 995,9 triệu giao dịch, với giá trị 2.502 nghìn tỷ đồng.
Phát triển xã hội số cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Những tồn tại và thách thức đối mặt xã hội số Việt Nam
Sự phát triển của xã hội số là nhờ những yếu tố nền tảng chính, như: Hạ tầng viễn thông -công nghệ thông tin, kết nối internet và công nghệ di động.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, những năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, làm tiền đề thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đến năm 2020, hạ tầng viễn thông quốc gia đã phủ rộng khắp toàn quốc, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông ngày càng được nâng cao. Hệ thống băng thông rộng được phát triển mạnh mẽ.
Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng internet băng rộng (gồm di động và cố định) của Việt Nam đã tăng hơn 40%.
Tại thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, ở nhiều địa phương (tháng 8/2021) các nhà mạng có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,79 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,59% so với năm 2020).
Số liệu từ Cục Viễn thông cũng cho thấy, đến tháng 10/2021, cả nước có gần 71 triệu người sử dụng internet (chiếm 2/3 dân số). Đây là tài nguyên có giá trị lớn phục vụ cho phát triển xã hội số ở Việt Nam.
Cùng với mạng tốc độ cao, sự phát triển của công nghệ di động với hàng loạt sản phẩm điện thoại thông minh cũng tạo điều kiện cho người dùng truy cập các dịch vụ kỹ thuật số một cách thuận tiện và an toàn.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2020, tỷ lệ người dùng truy cập internet qua điện thoại di động lên tới 94% với thời lượng truy cập trung bình mỗi ngày khá cao.
Việt Nam xây dựng mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số, xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần; phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời bảo vệ người dân trước các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trương số, xã hội số.
Tuy nhiên, xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn, như: Hệ thống thể chế, pháp luật chưa hoàn thiện; kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế số và xã hội số.
Hiện đang có độ “trễ” trong cập nhật mô hình, giải pháp về xây dựng một xã hội số, xã hội siêu thông minh cũng như kịch bản có tính hệ thống nhằm thích ứng với những yêu cầu cấp bách, thách thức đặt ra từ quá trình biến đổi xã hội.
Bên cạnh đó, xã hội số mang đến những tiện nghi mới mẻ và hiện đại cho cuộc sống, nhưng cũng tạo ra những thách thức đe dọa đến những quyền căn bản nhất, sự an toàn của chính bản thân con người trong thế giới thực và thế giới số, như an ninh mạng, lừa đảo, tội phạm công nghệ cao, bảo mật đời tư,…
Mặt khác, xã hội số đã và đang tạo ra những chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc về thang bậc hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa - xã hội. Đặc biệt, một bộ phận xã hội, nhất là nhóm trẻ có những suy nghĩ lệch lạc về giá trị đạo đức, giá trị văn hóa gia đình và dân tộc.
Xã hội số cũng đem đến nhiều mối nguy hại trong môi trường số, như: Tội phạm công nghệ cao, lừa đảo, bảo mật quyền riêng tư, xâm phạm dữ liệu thông tin cá nhân… Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ thế hệ Z được mệnh danh là những công dân thời đại số đang chịu ảnh hưởng bởi các khía cạnh tiêu cực của phương tiện truyền thông xã hội.
Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân.
Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp là công dân số và văn hóa số. Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn.
(Còn tiếp)
0