Một số giải pháp phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay


TÓM TẮT:

Thời gian qua, hoạt động phát triển hợp tác xã nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hợp tác xã xuất hiện ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình hợp tác xã của Hà Nội đã phát huy hiệu quả cao trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành điển hình của cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những hạn chế, bất cập. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích thực trạng xây dựng và phát triển hợp tác xã tại thành phố Hà Nội thời gian qua, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thời gian tới.

Từ khóa: hợp tác xã, kinh tế tập thể, kinh tế, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Hợp tác xã là bộ phận nòng cốt của kinh tế tập thể, có vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội... Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hợp tác xã, những năm qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng phát triển hợp tác xã trên tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động với số lượng, quy mô, chất lượng ngày càng gia tăng và cơ cấu hợp lý, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ số lượng, quy mô hợp tác xã còn nhỏ trong các thành phần kinh tế; hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn hạn chế; cơ cấu hợp tác xã chưa thực sự hợp lý. Nhận thức rõ thực trạng và có giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm phát triển bền vững hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

2. Thực trạng phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thực hiện chương trình, kế hoạch của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã của Hà Nội hoạt động khá ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Tổ chức bộ máy, tư cách thành viên đảm bảo theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012. Các hợp tác xã đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình. Nhiều hợp tác xã đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên.

Số lượng, quy mô hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng gia tăng. Năm 2018, số hợp tác xã đang hoạt động là 1.313; đến năm 2022, con số này là 2.029 (tăng 761 hợp tác xã), tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2018 - 2022 là 10,9%/năm [1]. Về quy mô, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số thành viên của các hợp tác xã là 605.108 thành viên (tăng 3.252 thành viên so với năm 2021), trong đó số thành viên mới gia nhập hợp tác xã là 3.200 người; tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 48.950 người, tăng 3.7% so với năm 2021, trong đó số lao động thường xuyên mới là 2.500 người. Tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã đạt 14.243.832 triệu đồng, tổng giá trị tài sản là 3.404.500 triệu đồng [6]. Nhiều hợp tác xã liên kết để hình thành các Liên hiệp hợp tác xã để mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động và mở rộng thị trường. Hiện nay, Hà Nội có 22 Liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, vận tải.

Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã ngày càng cao, bảo đảm ngày càng tốt hơn lợi ích các thành viên. Những năm gần đây, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đến hết năm 2022, Thành phố có 61 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, hiện đại. Lĩnh vực nông nghiệp có 46 hợp tác xã đã đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử QRcode; trên 60 hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như Vietgap, hữu cơ; 43 hợp tác xã nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Một số hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, như: gạo chất lượng cao T10 tại hợp tác xã Đại Thắng (Phú Xuyên), gạo nếp cái hoa vàng của hợp tác xã Liên Hà (Đông Anh), khoai lang Hoàng Long của hợp tác xã Đồng Thái (Ba Vì) [6],... Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã hoạt động theo mô hình mới, đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao, mở rộng liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, doanh thu bình quân của hợp tác xã là 2.500 triệu đồng; lãi bình quân của hợp tác xã đạt 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của hợp tác xã là 57 triệu đồng/năm. Trong năm 2022, Liên hiệp hợp tác xã Hà Nội đã giải ngân cho 212 dự án với kinh phí là 82,030 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ cho các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã có nhu cầu mở rộng dịch vụ sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho thành viên, người lao động có mức thu nhập ổn định [6].

Cơ cấu hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội có sự chuyển dịch hợp lý, hiện đại, tính liên kết ngày càng cao. Giai đoạn 2018 - 2022, cơ cấu hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đang hoạt động có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tỷ trọng hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 51,18% lên 61,36%; công nghiệp - thủ công nghiệp tăng từ 9,52% lên 11,53%; lĩnh vực thương mại dịch vụ giảm từ 23,91% xuống 11,29%; lĩnh vực vận tải tăng từ 0,84% lên 8,18%; lĩnh vực tín dụng giảm từ 6,47% xuống 4,68%; lĩnh vực xây dựng giảm từ 7,24% xuống 0,94% và lĩnh vực khác tăng từ 0,84% lên 2,02% [1]. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp có tốc độ hợp tác hóa cao, do đây là lĩnh vực có nhiều thuận lợi trong thu hút người lao động tham gia vào quá trình hợp tác.

Sự hợp tác, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các thành phần kinh tế khác ngày càng được coi trọng. Nhiều mô hình liên doanh, liên kết được xây dựng và phát triển. Hình thức, nội dung liên kết, hợp tác đa dạng hơn, như: cung ứng vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho quá trình sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, sản phẩm hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy của các hợp tác xã nông nghiệp: liên kết ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho các hộ thành viên. Nhiều hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp giống - vật tư nông nghiệp của Trung ương và tại các tỉnh, thành phố trong nước để cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ nông dân; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất sữa, chè trong việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm của thành viên hợp tác xã. Các hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở làng nghề đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp nguyên liệu, vật tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, sự phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội còn một số hạn chế, bất cập:

Một là, số lượng hợp tác xã hiện chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 1,19% trong tổng số lượng các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn thành phố. Quy mô hợp tác xã còn nhỏ, tổng số vốn sản xuất - kinh doanh khu vực hợp tác xã chiếm tỷ lệ khiêm tốn chiếm 0,71%; số lượng hợp tác xã có quy mô nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 76,6%; tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn chiếm 0,18%, lợi nhuận trước thuế chiếm 0,3% [6]. Thu nhập bình quân đầu người một tháng trong khu vực kinh tế tập thể tăng qua hàng năm nhưng vẫn ở mức thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác.

Hai là, chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của kinh tế thị trường. Năng lực nội tại của các hợp tác xã còn hạn chế, các hợp tác xã hoạt động hiệu quả chủ yếu là các hợp tác xã mới được thành lập gần đây; còn lại một số lượng không nhỏ hợp tác xã không mở rộng phát triển kinh doanh, chậm thích nghi với cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa, chủ yếu tập trung thực hiện các dịch vụ truyền thống; khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất, cơ sở vật chất; kết nối cung cầu hàng hóa còn hạn chế. Đến hết năm 2022, có đến 356 hợp tác xã ngừng hoạt động, tồn tại danh nghĩa, hoặc chưa được tổ chức lại theo Luật hợp tác xã năm 2012 [2].

Ba là, cơ cấu hợp tác xã trên địa bàn chưa thật sự hợp lý, tính liên kết chưa cao. Hiện nay, tỷ trọng số lượng hợp tác xã nông nghiệp chiếm 61,4% tổng số hợp tác xã của Thành phố, song giá trị gia tăng trong lĩnh vực này thấp. Đồng thời, các lĩnh vực về thương mại - dịch vụ, vận tải, tín dụng có tiềm năng phát triển và tạo ra giá trị gia tăng cao lại chiếm tỷ trọng nhỏ. Đến hết năm 2022, lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 229 hợp tác xã chiếm 11,29%, lĩnh vực vận tải có 166 hợp tác xã chiếm 8,18%, lĩnh vực tín dụng có 95 hợp tác xã chiếm 4,68%. Bên cạnh đó, khả năng liên kết trong nội bộ hợp tác xã, liên kết giữa hợp tác xã với nhau và với các thành phần kinh tế khác để hình thành chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, thiếu tính bền vững. Số lượng hợp tác xã tham gia liên kết chưa nhiều, mới có 70 hợp tác xã/2029 hợp tác xã tham gia liên kết chiếm 3,45% [2]. Ngoài ra, việc góp đất, thuê đất để sản xuất, việc tiếp cận nguồn vốn, mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng) còn gặp nhiều khó khăn.

3. Một số giải pháp phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới

Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2030, Thành phố phấn đấu có hơn 3.000 hợp tác xã và thành lập mới từ 1.000 hợp tác xã và 15 liên hiệp hợp tác xã trở lên. 100% số hợp tác xã, ủy thác tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã. Trong đó, củng cố từ 1.200 hợp tác xã trở lên; số hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên; phấn đấu có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 100% sử dụng tín hiệu nhân dân và hợp tác xã dịch vụ chức năng thực hiện chuyển đổi số [4].

Để thực hiện tốt mục tiêu trên và khắc phục kịp thời những hạn chế trong phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hợp tác xã cho các chủ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ thể thực hiện phát triển hợp tác xã, nhất là các chủ thể trực tiếp xuất kinh doanh trong các lĩnh vực về tác động, vị trí, vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội, vai trò đóng góp của các thành viên của hợp tác xã trong xây dựng, phát triển hợp tác xã; về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với phát triển hợp tác xã; về sự cần thiết và yêu cầu khách quan phát triển hợp tác xã trong thời gian tới. Tăng cường vận động tuyên truyền người dân tham gia hợp tác xã, coi đây là cuộc cách mạng của nhân dân; cấp ủy, tổ chức Đảng phải quán triệt, thống nhất về nhận thức cho đảng viên nhằm thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân hiểu rõ Luật hợp tác xã năm 2012, bản chất, mô hình hợp tác xã kiểu mới. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố cần tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển hợp tác xã.

Thứ hai, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội là đảm bảo sự minh bạch, chính xác và công bằng trong hoạt động của các hợp tác xã. Giải pháp này giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển và mở rộng hoạt động, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong hợp tác xã. Việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách cũng giúp thu hút đầu tư và tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững và hấp dẫn cho các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành phố cần tập trung rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012, các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác xã. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KTTT giai đoạn 2021 - 2025 theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Trên cơ sở chính sách hỗ trợ của Trung ương tại Quyết định số 1804/QĐ-TW ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, các cơ quan, đơn vị, nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về hỗ trợ, phát triển hợp tác xã giai đoạn mới của thành phố, tập trung hỗ trợ về: thành lập mới, củng cố hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;... Chủ động cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách. 

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn Thành phố. Tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; đồng thời, tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt chính sách đào tạo; có chế độ ưu đãi về quy định cụ thể để thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã và giữ lại cán bộ quản lý hợp tác xã giỏi, có năng lực quản lý và tâm huyết với hợp tác xã; quan tâm triển khai chính sách bảo hiểm xã hội cho các thành viên, người lao động trong hợp tác xã. Phát triển mô hình hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình, hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm để mở rộng quy mô hoạt động của hợp tác xã. Thực hiện chuyển đổi số đối với các hợp tác xã đủ năng lực, điều kiện; quản lý và vận hành tốt hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của thành phố về hợp tác xã. 

Thứ tư, huy động, sử dụng có hiệu nguồn lực để phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà NộiThành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn hoạt động cho các hợp tác xã thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các quỹ tín dụng, ngân hàng; nghiên cứu việc tiếp cận vốn thông qua hình thức tín chấp. Vận động, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, nhà tài trợ trong nước, các tổ chức quốc tế. Các hợp tác xã xây dựng phương án phát triển sản xuất - kinh doanh khả thi, phù hợp với nhu cầu của thành viên, huy động nguồn vốn nội lực từ thành viên, đơn vị thành viên để thực hiện các hoạt động mở rộng, phát triển sản xuất - kinh doanh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nâng cao trình độ quản trị đáp ứng yêu cầu thị trường; từ đó, xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số.

Thứ năm, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong phát triển hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội:

Mặt trận Tổ quốc thành phố: có chương trình phối hợp hành động trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT) với các tổ chức đoàn thể, các thành viên và Liên minh hợp tác xã thành phố. Tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng, hội viên, thành viên tham gia phát triển KTTT, hợp tác xã; thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012 và các chính sách phát triển KTTT, hợp tác xã; củng cố và phát triển tổ chức đoàn thể trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. 

Liên minh hợp tác xã thành phố: tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Liên minh hợp tác xã thành phố để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc hình thành và phát triển hợp tác xã, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng Luật KTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cán bộ làm việc tại Liên minh hợp tác xã thành phố nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển hợp tác xã.

4. Kết luận

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, trong thời gian tới,  từ việc nhận thức rõ vị trí, vai trò và thực trạng phát triển hợp tác xã trên địa bàn, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của Thành phố cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phát triển hợp tác xã, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện của Thành phố phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển KTX. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã trên địa thành phố phát triển bền vững, có đóng góp xứng đáng vào quá trình xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê thành phố Hà Nội (2022). Niên giám thống kê thành phố Hà Nội năm 2021. Nxb Thống kê, Hà Nội.
  2. Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội (2023). Báo cáo số lượng hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
  3. Thành ủy Hà Nội (2021). Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành trung ương Đảng khoa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội, số 89B - BC/BCS, Hà Nội.
  4. Thành ủy Hà Nội (2022). Chương trình hành động số 20-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
  5. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (2021). Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Số: 32 /KH-UBND, Hà Nội.
  6. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (2022). Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, số 294/KH-UBND, Hà Nội.

Some solutions for the current development of cooperatives in Hanoi

Dinh Xuan Tu

Political Academy, Ministry of National Defence

Abstract:

Over the past time, the development of cooperatives in Hanoi city has received the attention and investment from all levels and sectors. The cooperative modern has been developed in many industries and it plays an important role in restructuring the economy, creating jobs, increasing people's incomes and building new-style rural areas. Some cooperative models in Hanoi has fully taken advantage of Vietnam’s socialist-oriented market economy and they become typical models for other cooperatives across the country. However, the development of cooperatives in Hanoi still has limitations and inadequacies. This study analyzes the current development of cooperatives in Hanoi and proposes some solutions to facilitate the growth of cooperatives in the coming time.

Keywords: cooperative, collective economy, economy, Hanoi city.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3