Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam những năm vừa qua đã phát triển sôi động với nhiều sản phẩm ra đời như biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay… ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, góp phần phát triển hạ tầng địa phương, khu vực, tạo công ăn việc làm đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và phát triển cơ sở hạ tầng nói chung.
Cùng với đó, số lượng các giao dịch về mua bán bất động sản du lịch cũng như phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Thực trạng này khiến nhiều địa phương lúng túng trong quá trình quản lý nhà nước do hệ thống chính sách, pháp luật về phân khúc thị trường này chưa đầy đủ và đồng bộ.
Việt Nam coi hoạt động du lịch là lĩnh vực trọng tâm trong phục hồi và phát triển nền kinh tế1, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu không có khung pháp lý hoàn chỉnh, không tháo gỡ được các bất cập, ách tắc thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng không thể gọi vốn từ các nhà đầu tư. Khi không có vốn để phát triển và tái khởi động các dự án đang dang dở thì cũng không thể nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú cho ngành Du lịch, một trong những yếu tố mang tính quyết định đến việc thu hút và giữ chân du khách2.
Điều này đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo khung pháp lý cho thị trường bất động sản, cũng như lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch vận hành thông suốt, đồng bộ, nhịp nhàng. Trước đó, chúng ta cần có sự đánh giá, rà soát tổng thể về chính sách, pháp luật để thấy rõ những thiếu sót, bất cập nhằm đưa ra giải pháp khắc phục có tính thuyết phục.
Dưới góc độ kinh doanh, bất động sản du lịch là đất đai, công trình gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai được quy hoạch xây dựng nhằm phục vụ vào mục đích kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá tìm hiểu. Bất động sản du lịch bao gồm các sản phẩm bất động sản gắn liền với hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng. Bất động sản du lịch bao gồm các loại hình sản phẩm bất động sản gắn liền với hoạt động đi du lịch và nghỉ dưỡng như: khách sạn, căn hộ du lịch, căn hộ nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, homestay, condotel… Nói cách khác, bất động sản du lịch được hiểu khái quát là một loại hình các dự án bất động sản được hình thành ở những nơi có tiềm năng về du lịch, nghỉ dưỡng.
Những năm gần đây, các dự án bất động sản du lịch được phát triển ở khắp các tỉnh thành của đất nước từ các vùng núi, cao nguyên đến đồng bằng, ven biển…
Tuy vậy, dưới góc độ pháp lý, chúng ta vẫn chưa có một quy định rõ ràng và đầy đủ về bất động sản du lịch. Do đó, bất động sản du lịch sẽ được phân tích trên cơ sở tổng hợp các quy phạm pháp luật khác nhau.
Theo Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bất động sản bao gồm: (i) đất đai; (ii) nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; (iii) tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; và (iv) tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017: du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.
Kết hợp các quy định vừa nêu, ta có thể hiểu bất động sản du lịch theo pháp luật Việt Nam là: "đất đai, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai, công trình xây dựng, được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục”3.
Ngoài các công trình du lịch truyền thống như khách sạn hay khu nghỉ dưỡng (resort), hiện nay tại nước ta có một số công trình bất động sản du lịch vừa có chức năng lưu trú, vừa có chức năng kinh doanh du lịch phổ biến như căn hộ du lịch (condotel), biệt thu du lịch (resort villa), nhà phố thương mại (shophouse), nhà phố du lịch (shoptel), nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), trang trại nghỉ dưỡng (farmstay)… (các công trình du lịch kết hợp lưu trú). Tuy nhiên, trừ condotel và resort villa thì hầu hết các công trình này chưa được định nghĩa bởi pháp luật4.
Với sự phát triển của du lịch ở Việt Nam, bên cạnh mô hình khách sạn truyền thống hay khu nghỉ dưỡng, tại Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều loại hình sản phẩm bất động sản khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Có thể kể đến các sản phẩm này như mô hình biệt thự du lịch (resort villa, shopvilla), mô hình nhà phố du lịch (shoptel), nhà phố thương mại (shophouse) - loại hình nhà phố cho phép việc đầu tư kinh doanh các dịch vụ mua sắm và dịch vụ lưu trú khách sạn du lịch; mô hình căn hộ du lịch (condotel) - khách sạn căn hộ hay căn hộ khách sạn, mô hình homestay - loại hình lưu trú tại nhà dân bản địa khi đi du lịch, mô hình farmstay - mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, một sản phẩm lai kết hợp giữa hai từ “farm” (nông trại) và “homestay” (khu lưu trú địa phương).
Có thể nói, bất động sản du lịch ở Việt Nam đã có sự phát triển đa dạng về loại hình sản phẩm, gần như toàn bộ các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch ở các quốc gia có truyền thống phát triển bất động sản du lịch đều đã có mặt tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự nhạy bén của các nhà đầu tư trong việc nắm bắt nhu cầu của du khách, mở ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư trong việc nắm bắt nhu cầu của du khách, và phù hợp với mục tiêu đầu tư, khả năng tài chính của các nhóm nhà đầu tư bất động sản khác nhau.
Quy trình đầu tư dự án bất động sản du lịch rất phức tạp, qua nhiều bước khác nhau và tổng thời gian cho toàn bộ quy trình thường không xác định được rõ ràng. Theo thống kê, trên cơ sở các quy định hiện hành, trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được quy định trong khoảng 19 Luật, Bộ luật, 52 Nghị định, 42 Thông tư, 102 quy chuẩn và 936 tiêu chuẩn; tùy từng loại dự án mà phải thực hiện thủ tục gồm từ 30 đến 54 bước với 38 đến 159 con dấu và thời gian quy định hoàn tất thủ tục khoảng 1 năm đến 1,5 năm. Thực tế thời gian thủ tục kéo dài từ 2 năm đến 5 năm, hoặc lâu hơn.
Cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng), cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản du lịch là những vấn đề dành được sự quan tâm của toàn xã hội trong những năm gần đây, đặc biệt là đối với condotel, resort villa. Cụ thể, trước đây các cơ quan chức năng địa phương lúng túng không biết nên ghi nhận chế độ sử dụng đất là đất ở hay đất thương mại, dịch vụ hay mục đích là để ở hay để kinh doanh vì các căn hộ du lịch phải xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ. Điều này là chưa phù hợp vì theo quy định tại khoản 4, Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014, việc xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở thuộc về “các hành vi bị nghiêm cấm”. Vì vậy, một số tỉnh, thành đã phải linh động với khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/04/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó có yêu cầu các Bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến condotel và resort villa, bước đầu đạt được một số kết quả như việc ban hành công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/02/2020 hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở ("Công văn 703"). Theo đó xác định đất đai xây dựng condotel, resort villa là loại đất thương mại, dịch vụ, sử dụng có thời hạn, đã góp phần làm hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đối với các loại hình bất động sản du lịch. Tuy nhiên, Công văn 703 mới chỉ là một văn bản hành chính mang tính hướng dẫn, chứ chưa phải là một văn bản quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc thi hành. Các quy định pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung vào condotel và resort villa, trong khi trên thực tế còn có các công trình du lịch kết hợp lưu trú khác như shoptel, hometel... Cũng chưa có định nghĩa, khái niệm rõ ràng, cụ thể đối với một số loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, đa công năng khác như căn hộ văn phòng (Officetel), nhà phố thương mại (Shophouse), nhà phố du lịch (Shoptel) và các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng khác. Các công trình này đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu trên thực tế nhưng chưa được pháp luật nước ta định nghĩa và phân biệt một cách rõ ràng, đặc biệt là Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản. Do đó, đối với các loại công trình này, việc xác định chế độ sử dụng đất, mục đích sử dụng công trình và chứng nhận quyền sở hữu vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Về chế độ sử dụng đất của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là loại đất thương mại, dịch vụ có thời hạn sử dụng đất từ 50-70 năm, tương tự như đối với loại hình chung cư thông thường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là Condotel là căn hộ kết hợp sở hữu, lưu trú và du lịch, vậy khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ thì mục đích sở hữu là đất ở hay đất thương mại, dịch vụ. Nếu là đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ thì Luật Đất đai 2013 về phân loại, xác định loại đất lại không có quy định về mục đích sử dụng này. Từ đó dẫn đến việc không thể triển khai các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa xác định rõ đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, chưa hướng dẫn rõ việc giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ được cấp cho chủ đầu tư dự án hay cho từng người mua căn hộ.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và các văn bản lập quy vẫn không có quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình (không phải là nhà ở) hình thành trong tương lai. Điều này không chỉ gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp (người mua căn hộ) khi có nhu cầu chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình bất động sản du lịch hình thành trong tương lai mà còn gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, vì không có quy định pháp luật trong khi các giao dịch này trên thực tế đã phát sinh rất nhiều.
Chưa có quy định, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất động sản du lịch với tư cách là “ngôi nhà thứ hai” (second home) là loại hình đã phát triển khá mạnh ở nước ta. Chính sách sở hữu bất động sản theo hướng mở, thông thoáng, đã giúp thị trường bất động sản du lịch tại nhiều nước tăng trưởng mạnh và ổn định. Dưới góc nhìn của Luật Đất đai, mặc dù người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở. Vì vậy, cá nhân người nước ngoài không phải là người sử dụng đất và không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền theo Điều 5, Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 cũng như không được ghi nhận quyền sử dụng đất theo Điều 186 của Luật Đất đai 2013.
Chưa có quy định pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng không rõ ràng trong cam kết lợi nhuận, huy động vốn và điều chỉnh đối với một số loại hình giao dịch, cho thuê sở hữu kỳ nghỉ. Cần có quy định nhằm bảo đảm tính khả thi của cam kết lợi nhuận mà chủ đầu tư đưa ra, nhằm tránh trường hợp khi phát sinh tranh chấp do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về phân chia lợi nhuận thì không có cơ sở để giải quyết thấu đáo. Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa dự liệu, điều chỉnh đối với trường hợp cho thuê sở hữu kỳ nghỉ giữa chủ sở hữu bất động sản du lịch (mà phổ biến nhất là Condotel) với các chủ sở hữu trong hệ thống kinh doanh bất động sản du lịch ở các nước khác trên thế giới. Các quy định về huy động vốn chủ yếu thông qua bán bất động sản hình thành trong tương lai mà chưa đa dạng hóa các loại hình huy động vốn khác.
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch cần dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nền kinh tế thị trường và phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch cần dựa trên yêu cầu của thực tiễn quản lý. Để nâng cao tính hiệu quả của quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản du lịch cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với những chế định khác của pháp luật kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho bất động sản du lịch như định danh chính thức các loại bất động sản du lịch trong Luật Kinh doanh bất động sản, xây dựng; bổ sung quy định cụ thể đối với lĩnh vực bất động sản du lịch trong hoạt động xây dựng, đầu tư và tín dụng như về thủ tục, trình tự đầu tư xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản du lịch trong tương lai; quy định cụ thể về tín dụng BĐS du lịch, quy định về huy động vốn đầu tư phát triển bất động sản du lịch trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng, đầu tư; xem xét quy định chế tài cụ thể đối với chủ đầu tư và các bên liên quan trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư trên thị trường; tháo gỡ vướng mắc do thiếu đồng bộ, nhất quán.
Thứ tư, bổ sung quy định về quản lý nhà nước trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 tích hợp chặt chẽ giữa hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản nói chung và kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng với vấn đề bảo vệ môi trường; xây dựng các tiêu chí xác định các sản phẩm bất động sản du lịch xanh; xác lập cơ chế đồng bộ, thống nhất về chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trong việc tạo lập các sản phẩm bất động sản du lịch xanh hoặc lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch…
Thứ năm, rà soát, sửa đổi các quy định của Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng bổ sung quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch; quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch; vấn đề cấp giấy phép đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước trong đầu tư các dự án về bất động sản du lịch…
Thứ sáu, quy định việc bàn giao căn hộ, công trình khác giữa người mua (của các loại cơ sở lưu trú du lịch) và chủ đầu tư trong các dự án bất động sản du lịch, cam kết về lợi nhuận cố định hoặc không cố định… phải được lập thành văn bản dưới dạng hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng mua bán căn hộ, công trình khác (của các loại cơ sở lưu trú du lịch).
Thứ bảy, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Du lịch năm 2017, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, các đạo luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành về kinh doanh bất động sản du lịch đảm bảo sự thống nhất, tương thích, đồng bộ góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia phân khúc thị trường bất động sản du lịch.
Việt Nam muốn trở thành một cường quốc du lịch thì phải ưu ái cho loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Việc sớm có quyết sách tháo gỡ các vướng mắc cho loại hình bất động sản này là rất cần thiết để phát triển kinh tế du lịch. Từ thực tế, nếu chúng ta cho các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài thì đấy chính là chìa khóa tạo ra sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này5.
Về trước mắt, khắc phục những khoảng trống pháp lý ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch đang gây ra những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Về lâu dài, xây dựng được hệ thống pháp luật kinh doanh bất động sản du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cho hoạt động của thị trường, tương xứng với tiềm năng và lợi thế cũng như chiến lược phát triển của đất nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
2Văn Nam (2023). Giải pháp nào khơi thông phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng? Truy cập tại https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-nao-khoi-thong-phan-khuc-bat-dong-san-du-lich-nghi-duong-122154.html
3,4LS. Lê Thị Tuyết Dung & Khưu Hồng Linh (2022). Những vấn đề pháp lý về kinh doanh bất động sản du lịch và những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Truy cập tại https://phaply.net.vn/nhung-van-de-phap-ly-ve-kinh-doanh-bat-dong-san-du-lich-va-nhung-vuong-mac-phat-sinh-trong-thuc-tien-a255272.html
5GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
SOME SOLUTIONS TO IMPROVE REGULATIONS ON TOURISM REAL ESTATE MARKET
• BUI KIM DUNG1
• NGUYEN THI LAN ANH1
• NGUYEN CAO SONG HUONG1
1Ho Chi Minh City University of Banking
ABSTRACT:
Tourism real estate is a strong, vibrant, and potential real estate segment. The increasing number of tourism real estate transactions has led to some legal issues. Many localities are confused about the state management of tourism real estate products as the current legal framework for tourism real estate is still incomplete, unified, and asynchronous. Hence, it is necessary for Vietnam to have a comprehensive policy for tourism real estate. This study identifies legal gaps and legal inadequacies in tourism real estate, and proposes solutions to improve regulations on tourism real estate.
Keywords: improving regulations, real estate market, tourism real estate, resort real estate.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiết