Nghiên cứu động lực ảnh hưởng đến việc áp dụng đổi mới sáng tạo mở của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam


Đề tài Nghiên cứu động lực ảnh hưởng đến việc áp dụng đổi mới sáng tạo mở của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam do Nguyễn Thị Lan Anh1 - Nguyễn Thị Thư1 - Nguyễn Đức Toàn1 - Dương Thị Trâm Anh1 - Đào Mai Khánh1 - ThS. Trịnh Thị Nhuần2* (1Sinh viên Lớp K58A1 - Đại học Thương mại - 2Giảng viên Viện Quản trị kinh doanh - Đại học Thương mại) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài báo này đề cập đến những yếu tố tác động đến động lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở của các doanh nghiệp sản xuất, bao gồm động lực về hợp tác, tài chính và tri thức của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Dữ liệu được thu thập từ 161 nhà quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất trên cả nước. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 3 yếu tố động lực trên đều có tác động trực tiếp và tích cực đến áp dụng đổi mới sáng tạo mở. Từ những kết quả nghiên cứu này, các thảo luận và khuyến nghị đã được đề xuất trong bài báo nhằm thúc đẩy việc thực hành ĐMST mở đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo mở, động lực áp dụng, doanh nghiệp sản xuất.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp là rất lớn, nếu chỉ sử dụng năng lực sáng tạo của nguồn lực nội bộ sẽ không đủ để các doanh nghiệp theo kịp với các nhu cầu của khách hàng và thị trường. Đổi mới sáng tạo mở là việc sử dụng các nguồn lực bên trong và bên ngoài doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo nội bộ và mở rộng các thị trường. Đổi mới sáng tạo mở là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp để cùng nhau đạt được lý tưởng tồn tại, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên nhiều thị trường mà vẫn có thể vượt qua tốc độ tiến hóa và lão hóa ngày càng nhanh của công nghệ (Trần Lan Hương, 2021). Ở khía cạnh thực tiễn, các nền kinh tế công nghiệp đang phát triển và mới nổi toàn cầu cho thấy, sản xuất là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1990 đến năm 2014, các nền kinh tế này đã tăng trưởng gấp đôi, từ 4,753 tỷ USD lên 9,228 tỷ USD theo giá cố định năm 2005. Đến năm 2014, giá trị gia tăng sản xuất của các nền kinh tế này đã tăng 2,4 lần so với năm 2000 theo giá cố định năm 2005, trong khi GDP tăng gấp đôi (Lê Văn Phong, 2023). Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất của nước ta còn nhiều hạn chế về nguồn lực, công nghệ sản xuất, năng lực sản xuất… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa các yếu tố về ĐMST, đặc biệt là đổi mới sáng tạo mở để có thể tồn tại và phát triển. Câu hỏi đặt ra là “Những yếu tố nào sẽ là động lực để các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam áp dụng các hoạt động ĐMST mở?” và điều này sẽ được giải đáp trong bài viết.

2. Cơ sở lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu

2.1. Một số khái niệm

“Đổi mới sáng tạo mở là một mô hình giả định các công ty có thể và nên sử dụng những ý tưởng bên ngoài cũng như những ý tưởng bên trong và các con đường tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, khi các công ty tìm cách cải tiến công nghệ của họ” (Henry W. Chesbrough, 2003). “Động lực ĐMST là sự kết hợp của các yếu tố bên trong và bên ngoài thúc đẩy cá nhân hoặc nhóm tham gia vào các hoạt động sáng tạo và tạo ra những ý tưởng mới mẻ, có giá trị" (Teresa Amabile ,1996). Đặt trong bối cảnh ĐMST mở, có thể hiểu động lực áp dụng ĐMST mở là những yếu tố nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động ĐMST mở để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các giá trị đổi mới.

2.2. Giả thuyết nghiên cứu

2.2.1. Động lực hợp tác

Hợp tác là một phương pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện ĐMST mở bằng cách kết hợp sức mạnh và tài nguyên từ nhiều phía khác nhau (Raka.P.B, 2015). Hợp tác trong ĐMST là một cơ hội để các doanh nghiệp làm việc với nhau, tìm ra những thách thức và giải quyết chúng bằng cách kết hợp kiến thức và nguồn lực của nhau, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho việc chia sẻ ý tưởng, kiến thức và tài nguyên, từ đó tạo ra cơ hội để tạo ra các quy trình đổi mới phức tạp. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp, việc tham gia ĐMST không chỉ có thể tạo ra những giải pháp mới cho các thách thức, mà còn giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các dự án liên doanh (Henry.C, 2017). Từ những lập luận trên, nghiên cứu đề xuất giả thuyết sau:

Giả thuyết H1.1: Yếu tố “Động lực hợp tác” có tác động tích cực đến việc áp dụng ĐMST mở từ ngoài vào trong.

Giả thuyết H1.2: Yếu tố “Động lực hợp tác” có tác động tích cực đến việc áp dụng ĐMST mở từ trong ra ngoài.

2.2.2. Động lực tài chính

Mô hình ĐMST mở - nơi các doanh nghiệp có thể cùng phối hợp với nhau - có thể giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ việc thu hút nguồn tài chính đa dạng như vốn rủi ro, vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp từ các công ty, quỹ đầu tư, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ cho vay địa phương hoặc chương trình tài trợ từ chính phủ. Ngoài ra, khi áp dụng ĐMST mở, doanh nghiệp ứng dụng có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài để phát triển và thực hiện các dự án. Với những doanh nghiệp áp dụng ĐMST mở, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa khả năng tài chính của mình bằng cách phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước từ các nguồn bên ngoài. Bên cạnh việc gia tăng doanh thu, còn có thể gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp bằng cách giảm chi phí sản xuất đối với quy trình R&D. Từ những lập luận trên, nghiên cứu đề xuất giả thuyết sau:

Giả thuyết H2.1: Yếu tố “Động lực tài chính” có tác động tích cực đến việc áp dụng ĐMST Mở từ trong ra ngoài.

Giả thuyết H2.2: Yếu tố “Động lực tài chính” có tác động tích cực đến việc áp dụng ĐMST Mở từ ngoài vào trong.

2.2.3. Động lực tri thức

Việc hấp thụ tri thức là khả năng của một doanh nghiệp trong việc nhận biết, tiếp thu, sử dụng và phát triển các nguồn lực từ bên ngoài như khách hàng, đối tác cạnh tranh nghiên cứu,... Nhờ đó, việc hấp thu tri thức từ bên ngoài, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức ngoại vi như các viện đào tạo, công ty khởi nghiệp, chuyên gia để giải quyết được những vấn đề xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp. Việc ĐMST mở giúp các doanh nghiệp thúc đẩy sự liên kết, tương tác giữa các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST từ trong và ngoài nước. Ở chiều ngược lại, việc thúc đẩy ĐMST từ ngay bên trong doanh nghiệp cũng mang lại rất nhiều lợi ích. Một tổ chức phải phát triển năng lực đổi mới mở để trở nên sáng tạo hơn. Đổi mới sáng tạo mở còn có thể giúp doanh nghiệp quản trị được tri thức. Hoạt động liên tục tạo ra tri thức, chúng có thể kích thích việc tiếp thu kiến thức, lưu trữ kiến thức, bảo vệ chúng, chia sẻ kiến thức trong tổ chức.

Giả thuyết H3.1: Yếu tố “Động lực tri thức” có tác động tích cực đến việc áp dụng ĐMST mở từ ngoài vào trong.

Giả thuyết H3.2.: Yếu tố “Động lực tri thức” có tác động tích cực đến việc áp dụng ĐMST mở từ trong ra ngoài.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Các biến và thang đo

Các biến trong mô hình được kế thừa từ các công trình nghiên cứu trước. Trong đó, biến động lực hợp tác được kế thừa từ Lisowska và Stanisławskib (2015); biến động lực tài chính được kế thừa từ Lisowska và Stanisławskib (2015), Garcés và Mkheidze (2018) và Yonghwi Noh (2015); biến động lực tri thức được kế thừa từ Marcus Holgersson, Ove Granstrand (2017) và Miia Kosonen, Chungmei Gan, Mika Vanhala và Kirsimarja Blomqvist (2014). Biến phụ thuộc là biến ĐMST mở  được đo lường thông qua 2 biến bậc 1 gồm ĐMST mở từ ngoài vào trong và ĐMST mở từ trong ra được kế thừa từ Hung và Chou (2013). Mỗi câu hỏi sẽ được đối tượng điều tra trả lời dựa trên thang Likert 7 điểm, trong đó 1 là “hoàn toàn không đồng ý”, 7 là “hoàn toàn đồng ý”.

3.2. Đối tượng và mẫu điều tra

Đối tượng điều tra là doanh nghiệp sản xuất trên cả nước, trong đó chủ yếu nằm ở miền Bắc Việt Nam (75,2%). Nghiên cứu thực hiện gửi phiếu điều tra đến các quản lý cấp cao, cũng như chủ các doanh nghiệp sản xuất. Tổng cộng có 15 mục hỏi đối với các biến độc lập. Như vậy, nghiên cứu dự kiến điều tra số lượng doanh nghiệp là 15*5 = 75 mẫu. Việc điều tra được tiến hành theo 2 phương thức là trực tuyến thông qua Google form và phát phiếu trực tiếp tại doanh nghiệp. Chúng tôi đã tiến hành điều tra đối với 200 doanh nghiệp sản xuất trên cả nước và dự định đạt được 80% mục tiêu ban đầu này và thực tế đạt được 80,5% tương đương với 161 doanh nghiệp sau khi đã chọn lọc kết quả phản hồi.

3.3. Phân tích dữ liệu

Sau khi lọc và làm sạch dữ liệu, nghiên cứu tiến hành đánh giá độ tin cậy của thang đo thông qua đánh giá các hệ số Cronbach’s Alpha, đánh giá các giá trị hội tụ và tính phân biệt của thang đo. Cuối cùng là kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu thông qua đánh giá mô hình cấu trúc thông qua kỹ thuật Bootstrapping.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả phân tích mô hình đo lường

Kết quả cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của tất các biến trong mô hình đều lớn hơn 0,7 và nằm trong khoảng (0.732 - 0.898). Hệ số Composite Reliability (rho_a) và Composite Reliability (rho_c) đều lớn hơn 0,7 và chỉ số AVE đều lớn hơn 0.5, chứng tỏ các biến tiềm ẩn trong mô hình giải thích được hơn 50% phương sai của các thang đo. Như vậy, các thang đo đều đảm bảo độ tin cậy và giá trị hội tụ. Loại  trừ TRN1 và TRN5 do hệ số tải (Outer Loading) nhỏ hơn 0,7. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả đánh giá độ tin cậy tổng hợp,  hệ số tải ngoài và AVE

 

Outer Loading

Cronbach's alpha

Composite reliability (rho_a)

Composite reliability (rho_c)

AVE

NVT: ĐMST mở từ ngoài vào trong

 

0.871

0.879

0.906

0.661

NVT1: Chúng tôi thường học hỏi kiến thức công nghệ từ bên ngoài để áp dụng vào hoạt động của DN mình.

0.841

 

 

 

 

NVT2: Chúng tôi thường xuyên khám phá, nghiên cứu những ý tưởng từ bên ngoài nhằm mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

0.886

 

 

 

 

NVT3: Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống thu thập thông tin để tìm kiếm, học hỏi công nghệ và sở hữu trí tuệ từ bên ngoài.

0.732

 

 

 

 

NVT4: Chúng tôi chủ động trao đổi với các đối tác bên ngoài để có kiến thức công nghệ hoặc sản phẩm hoàn thiện hơn.

0.81

 

 

 

 

NVT5: Chúng tôi có xu hướng tạo dựng mối quan hệ mật thiết với các đối tác bên ngoài và tin tưởng vào khả năng đổi mới của họ.

0.787

 

 

 

 

TRN: ĐMST mở từ trong ra ngoài

 

0.814

0.818

0.889

0.728

TRN1: Chúng tôi luôn sẵn sàng quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp đưa ra bên ngoài.

0.69

 

 

 

 

TRN2: Chúng tôi thay đổi việc bán tri thức công nghệ và sở hữu trí tuệ ra bên ngoài thành một thông lệ chính thống.

0.86

 

 

 

 

TRN3: Chúng tôi sở hữu một đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động thương mại hóa tài sản tri thức (ví dụ bán, cấp phép các bằng sáng chế hoặc các sản phẩm phụ).

0.829

 

 

 

 

TRN4: Chúng tôi ủng hộ các đối tác mua và sử dụng kiến thức công nghệ hoặc tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình.

0.793

 

 

 

 

TRN5: Chúng tôi hầu như không hợp tác sử dụng công nghệ với các tổ chức bên ngoài (R).

0.673

 

 

 

 

ĐLHT: Động lực hợp tác

 

0.902

0.904

0.928

0.72

ĐLHT1: Chúng tôi nhận được trợ giúp trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn từ phía đối tác bên ngoài khi thực hiện hoạt động đổi mới.

0.838

 

 

 

 

ĐLHT2: Chúng tôi có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các dự án liên doanh.

0.898

 

 

 

 

ĐLHT3: Chúng tôi có thể tăng khả năng thực hiện các quy trình đổi mới phức tạp.

0.838

 

 

 

 

ĐLHT4: Sự tham gia của nhân viên vào quá trình đổi mới làm tăng động lực và sự gắn bó của họ với DN chúng tôi.

0.828

 

 

 

 

ĐLHT5: DN của tôi có thể mở rộng được nguồn nhân lực nếu hợp tác với các đối tác bên ngoài trong hoạt động ĐMST.

0.839

 

 

 

 

ĐLTC: Động lực tài chính

 

0.876

0.878

0.91

0.669

ĐLTC1: Chúng tôi có thể giảm chi phí sản xuất nếu có sự hợp tác với đối tác bên ngoài. 

0.806

 

 

 

 

ĐLTC2: Chúng tôi theo kịp với thị trường hiện tại, gia tăng mức tăng trưởng, thị phần và doanh thu.

0.797

 

 

 

 

ĐLTC3: Chúng tôi có thể huy động các nguồn tài chính từ những công ty liên kết.

0.851

 

 

 

 

ĐLTC4: Khả năng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chúng tôi tăng lên.

0.827

 

 

 

 

ĐLTC5: Chúng tôi có khả năng gia tăng được lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên doanh thu (ROS).

0.808

 

 

 

 

ĐLTT: Động lực tri thức

 

0.882

0.882

0.914

0.679

ĐLTT1: Chúng tôi mong muốn kích thích sự sáng tạo và khả năng tạo ra ý tưởng mới khi hợp tác với các đối tác khác.

0.836

 

 

 

 

ĐLTT2: Chúng tôi có thể nâng cao kiến thức về các sản phẩm và dịch vụ có liên quan khi hợp tác với đối tác khác.

0.849

 

 

 

 

ĐLTT3: Chúng tôi thường kết hợp với các công ty khác bên ngoài để giải quyết các vấn đề xảy ra.

0.789

 

 

 

 

ĐLTT4: Chúng tôi có khả năng khai thác được các công nghệ độc quyền từ bên ngoài.

0.795

 

 

 

 

ĐLTT5: Chúng tôi tránh được nguy cơ công nghệ của mình trở nên lỗi thời quá sớm.

0.85

 

 

 

 

Ngoài ra, bài viết cũng kiểm định  giá trị phân biệt và đánh giá thông qua chỉ số căn bậc hai của AVE do Fornell & Larcker (1981) đề xuất. Kết quả của nghiên cứu cho thấy các giá trị này đều thỏa mãn tiêu chí căn bậc hai của AVE, của mỗi biến tiềm ẩn cao hơn tất cả tương quan giữa các biến tiềm ẩn với nhau.

4.2. Kết quả phân tích cấu trúc và kiểm định các giả thuyết

Kiểm định mô hình cấu trúc thông qua các tiêu chí như xem xét vấn đề đa cộng tuyến, hệ số đường dẫn cấu trúc, hệ số R2, hệ số R2 điều chỉnh và độ phù hợp tổng thể của mô hình cấu trúc. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, các giá trị VIF của các biến tiềm ẩn trong mô hình đều có giá trị VIF < 5,0 => Không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra (dựa trên tiêu chí của Hair và cộng sự, 2016). (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả hệ số đường dẫn mô hình cấu trúc SEM

 

Original sample (O)

Sample mean (M)

Standard deviation (STDEV)

T statistics (|O/STDEV|)

P values

Giả thuyết

Động lực hợp tác → ĐMST mở từ ngoài vào trong

0.543

0.532

0.121

4.508

0.000

Chấp nhận

Động lực hợp tác → ĐMST mở từ trong ra ngoài

0.296

0.292

0.126

2.354

0.019

Chấp nhận

Động lực tài chính → ĐMST mở từ ngoài vào trong

0.112

0.114

0.088

1.279

0.201

Bác bỏ

Động lực tài chính → ĐMST mở từ trong ra ngoài

0.362

0.362

0.119

3.052

0.002

Chấp nhận

Động lực tri thức → ĐMST mở từ ngoài vào trong

0.235

0.246

0.106

2.227

0.026

Chấp nhận

Động lực tri thức → ĐMST mở từ trong ra ngoài

0.144

0.151

0.128

1.122

0.262

Bác bỏ

Kết quả kiểm định giả thuyết được tổng hợp lại trong Bảng 2, theo đó, giả thuyết H1.1; giả thuyết H1.2; giả thuyết H2.2 và giả thuyết 3.1 được chấp nhận do giá trị P-value nhỏ hơn 0.05.; giả thuyết H2.1 và giả thuyết H3.2 bị bác bỏ do giá trị P-value lớn hơn 0.05. Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy, động lực hợp tác là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến việc áp dụng ĐMST mở từ ngoài vào trong, tiếp theo là động lực tri thức và động lực tài chính. Động lực tài chính là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến việc áp dụng ĐMST mở từ trong ra ngoài, tiếp đến là động lực hợp tác và động lực tri thức.

5. Hàm ý quản trị

Thứ nhất, doanh nghiệp cần xây dựng mạng lưới đối tác và tạo liên kết với cộng đồng đổi mới, điều này cho phép doanh nghiệp có thể truy cập vào kiến thức và tài nguyên quan trọng. Từ đó, giúp cải thiện khả năng nắm bắt và áp dụng những ý tưởng mới, công nghệ và phương pháp sáng tạo vào quá trình sản xuất.

Thứ hai, đầu tư vào năng lực và xây dựng môi trường khuyến khích sáng tạo cho nhân viên: các doanh nghiệp cần xây dựng và duy trì một văn hóa tổ chức khuyến khích sự ĐMST. Các nhà quản trị nên khuyến khích nhân viên của mình đóng góp ý tưởng mới và đề xuất cải tiến. Thông qua việc tạo ra các kênh giao tiếp mở và sẵn lòng lắng nghe ý kiến của nhân viên.

Thứ ba, tìm kiếm nguồn vốn và sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài: điều này giúp doanh nghiệp có khả năng tài chính để thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển, cung cấp nguồn lực cần thiết để tiến hành các hoạt động R&D, thử nghiệm ý tưởng mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.

Thứ tư, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ chuyên trách thực hiện các hoạt động thương mại hóa tài sản tri thức: đội ngũ chuyên trách thực hiện hoạt động này có nhiệm vụ bảo vệ và tận dụng tài sản tri thức của doanh nghiệp. Họ có thể xác định và bảo vệ các kiến thức, kỹ năng, bí quyết và thông tin quan trọng của doanh nghiệp.

Thứ năm, khuyến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến các hỗ trợ về tài chính, xây dựng hệ sinh thái ĐMST mở và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp liên minh, liên kết trong sản xuất.

6. Kết luận và hạn chế nghiên cứu

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp định lượng thông qua khảo sát 161 doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Kết quả cho thấy cả 3 yếu tố động lực hợp tác, động lực tài chính và động lực tri thức đều có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến việc áp dụng ĐMST của các doanh nghiệp. Mặc dù đã kiểm định được mô hình nghiên cứu với các kết quả có ý nghĩa, nghiên cứu không tránh khỏi một số hạn chế. Thứ nhất về cỡ mẫu và phạm vị lấy mẫu. Cỡ mẫu của nghiên cứu còn khá khiêm tốn với số lượng là 161 doanh nghiệp sản xuất, hầu hết là ở một số tỉnh thành thuộc miền Bắc nên chưa thể đại diện hết cho các doanh nghiệp sản xuất trên cả nước. Bên cạnh đó, các kết quả của nghiên cứu này sẽ được giải thích rõ ràng hơn nếu sử dụng thêm phương pháp phỏng vấn sâu các nhà quản trị doanh nghiệp nhằm làm rõ hơn đặc thù trong từng yếu tố động lực. Cuối cùng, nhóm tác giả còn bỏ qua nhiều động lực chưa đề cập đến, vì vậy cần có hướng nghiên cứu tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Văn Phong (2023). Vai trò của của ngành sản xuất trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạp chí Lý luận chính trị. số 540 (02-2023). Truy cập tại: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/4838-vai-tro-cua-nganh-san-xuat-trong-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa.html
  2. Vũ Thị Thu Hằng (2022), Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Cộng sản. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/826023/doi-moi-sang-tao-o-viet-nam-hien-nay.aspx.
  3. BambuUP (2022). Báo cáo toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021. Truy cập tại: https://bambuup.com/pdf/BambuUP_Bao_Cao_Toan_Canh_Doi_Moi_Sang_Tao_Mo_Viet_Nam_2021.pdf?_gl=1*11qd2mr*_ga*MTgzNzMyNjQ0NS4xNzAwMjkxNzYy*_ga_PEFWNS8LEB*MTcwMDI5MTc2My4xLjEuMTcwMDI5MTg0Mi4wLjAuMA&fbclid=IwAR1DA8-31jNr9yfQGMoAgr-8RlEkcS6vkcqo-SY54no6INFqw_7MPgvb5wY
  4. Chesbrough, H. (2003). Open innovation: The new imperative for creating and profiting from technology. USA: Harvard Business Press.
  5. Chesbrough, William (2003). Open innovation: the new imperative for creating and profiting from technology. Henry W. Chesbrough. p. cm. I
  6. Hung, K. P., & Chou, C. (2013). The impact of open innovation on firm performance: The moderating effects of internal R&D and environmental turbulence. Technovation, 33(10-11), 368-380.
  7. Lichtenthaler, Ulrich (2015). A note on outbound open innovation and firm performance. R&D Management, 45(5), 606-608.
  8. Lisowska, R., & Stanisławski, R. (2015). The cooperation of small and medium-sized enterprises with business institutions in the context of open innovation. Procedia Economics and Finance, 23, 1273-1278.
  9. Tsai, F. S., Cabrilo, S., Chou, H. H., Hu, F., & Tang, A. D. (2022), “Open innovation and SME performance: The roles of reverse knowledge sharing and stakeholder relationships. Journal of Business Research”, 148, 433-443.
  10. Van de Vrande, V., De Jong, J. P., Vanhaverbeke, W., & De Rochemont, M. (2009). Open innovation in SMEs: Trends, motives and management challenges. Technovation, 29(6-7), 423-437.

A study on the factors affecting the motivation for open innovation in Vietnamese manufacturing enterprises

Nguyen Thi Lan Anh1

Nguyen Thi Thu1

Nguyen Duc Toan1

Duong Thi Tram Anh1

Dao Mai Khanh1

Master. Trinh Thi Nhuan2

1Student, Thuongmai University

2Lecturer, Institute of Business Administration, Thuongmai University

Abstract:

This study analyzed the factors affecting the motivation for open innovation in manufacturing enterprises, including the drivers of collaboration, financial incentives, and knowledge motivation within Vietnamese manufacturing enterprises. The study’s data was collected from 161 managers of manufacturing enterprises nationwide. The study’s findings indicated that all three above-mentioned drivers have direct and positive impacts on the motivation for open innovation. Based on the study’s findings, some discussions and recommendations were proposed to promote the motivation for open innovation in manufacturing enterprises.

Keyword: open innovation, adoption motivation, manufacturing enterprises. 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3