Phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp


(CHG) Trước tình hình doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trong thời gian vừa qua sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2022 đã tạo điều kiện cho nhân dân cả nước vui Xuân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với không khí phấn khởi, đoàn kết, tương thân tương ái, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ của năm mới 2023.

Các cấp, ngành, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết với tinh thần "không để ai không có Tết"; đồng thời quyết liệt, quyết tâm triển khai công việc ngay trong và sau Tết Nguyên đán.

Cụ thể, trong tháng đầu tiên của năm 2023, sản xuất nông nghiệp ổn định, bảo đảm tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 2,5%), loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 4%). Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế tháng 1 đạt trên 870.000 lượt người, gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Thu ngân sách Nhà nước đạt 11,3% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 12% dự toán (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước). Vốn FDI đăng ký mới có tín hiệu tích cực, đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước xuất siêu 3,6 tỷ USD. Bảo đảm an sinh xã hội, đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an ninh, an toàn, mọi nhà đều có Tết.

Đáng chú ý, thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực. Đến ngày 17/1, tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng trong tháng, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương, tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được giao, nhất là trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý các khó khăn, vướng mắc của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… nhanh chóng khơi thông nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới, khí thế mới, không gian mới để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao.

"Chính vì vậy, yêu cầu cần có các giải pháp chủ động điều hành mới, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Áp lực kiểm soát lạm phát đã được dự báo từ trước

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%), là mức tăng cao nhất cùng kỳ tháng 1 từ năm 2016 đến nay.

Việc này đã được dự báo từ trước, khi lạm phát và giá cả tháng 1 chịu tác động cộng hưởng đồng thời bởi nhiều yếu tố: Quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết; các chính sách hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… hết hiệu lực từ đầu năm 2023; xu hướng lạm phát tăng từ nửa cuối năm 2022 đến nay; chi phí sản xuất tăng, bao gồm cả lãi vay, tiền lương, giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu…

Phân tích nguyên nhân chủ yếu của lạm phát hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, căn nguyên không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008-2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, phát sinh do kinh tế thế giới đồng thời bị tác động bởi đại dịch COVID - 19, xung đột Nga - Ukraine, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trong giai đoạn trước đây.

Cùng với đó, để ứng phó với tình trạng lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, làm thu hẹp phía cầu của nền kinh tế để tận dụng thời gian, củng cố lại các chuỗi cung ứng và sản xuất. Tuy nhiên, mặt trái là làm suy giảm hoạt động đầu tư, hạn chế việc cải thiện phía cung của nền kinh tế. Từ đó, tạo thành nguy cơ "đình lạm" kéo dài, tức là lạm phát cao, tăng trưởng thấp tại các quốc gia.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải đồng thời là cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định.

Ngoài ra, trước tình hình doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trong thời gian vừa qua sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/phan-khoi-hang-say-lao-dong-san-xuat-kinh-doanh-ngay-tu-nhung-ngay-dau-nam-moi-102230202121812871.htm

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3