Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam về du lịch và những định hướng hoàn thiện


TÓM TẮT:

Quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch là sự tác động có tổ chức, điều chỉnh thường xuyên của Nhà nước bằng quyền lực nhà nước đối với các hoạt động du lịch nhằm tạo ra sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động du lịch. Bài viết phân tích thực trạng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hàm Thuận Nam về du lịch và đề xuất các định hướng hoàn thiện.

Từ khóa: quản lý nhà nước, du lịch, kinh tế, doanh thu.

1. Khái quát về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch

Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, phát triển du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia[1]. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, trước đại dịch Covid-19, lượng khách nội địa tăng đều qua các năm và đạt đỉnh vào năm 2019 với 85 triệu lượt. Năm 2022, sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế đi lại, lượng khách nội địa cả năm đã đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với mục tiêu 60 triệu và vượt con số của năm 2019. Riêng 3 tháng hè, lượng khách đạt hơn 35 triệu. Doanh thu đạt 495.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch[2].

quản lý nhà nước
hình minh họa

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization), du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn[3]. Ngoài ra, du lịch cũng có mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá 1 năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành có mục đích chính là kiếm tiền[4]. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.

Dưới góc độ pháp lý, khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017 quy định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.

Quản lý là sự tác động có ý chí từ phái chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt được những mục đích đã đặt ra trước đó của chủ thể quản lý[5]. Trong cuộc sống, quản lý là hoạt động thiết yếu bảo đảm phối hợp những nỗ lực cá nhân nhằm đạt được các mục đích của nhóm[6].

QLNN là sự chỉ huy, điều hành xã hội để thực thi quyền lực nhà nước, là tổng thể về thể chế, về tổ chức trong bộ máy nhà nước[7]. Như vậy, có thể hiểu, QLNN về du lịch là sự tác động có tổ chức, điều chỉnh thường xuyên của Nhà nước bằng quyền lực nhà nước (chủ yếu thông qua hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước) đối với các hoạt động du lịch nhằm tạo ra sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động du lịch, đảm bảo phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được tài nguyên, duy trì và phát triển văn hóa, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

2. Thực trạng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam về du lịch

2.1. Những mặt tích cực

Trong những năm qua, du lịch là ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Hàm Thuận Nam. Vì vậy, vấn đề quản lý hoạt động du lịch; quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được UBND huyện Hàm Thuận Nam quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh. Vì vậy, công tác QLNN về du lịch trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, ngành Du lịch huyện Hàm Thuận Nam đã có bước chuyển biến tích cực.

Thứ hai, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách phát triển du lịch khác nhau tại địa phương. Cùng với đó, UBND huyện đã ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch làm cơ sở cho hoạt động QLNN, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện, tạo điều kiện phát triển du lịch.

Thứ ba, UBND huyện đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, tạo được nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần xóa đói giảm nghèo. Thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch dần được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng.

Thứ tư, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được chú trọng. Để có thể đào tạo, bồi dưỡng số lượng lao động lớn trên, huyện Hàm Thuận Nam đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và phát triển du lịch được chú trọng. UBND huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đã đề ra để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở du lịch phục hồi và phát triển, thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu điểm đến, trải nghiệm sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Có giải pháp xử lý rủi ro trong phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của du khách đối với du lịch nội địa, sẵn sàng đón khách quốc tế, đồng thời tăng cường kết nối các điểm đến, sản phẩm du lịch.

2.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác QLNN về du lịch của UBND huyện Hàm Thuận Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Một là, việc cụ thể hóa và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để quản lý, điều hành hoạt động du lịch đôi khi còn chậm. Thủ tục hành chính đối với kinh doanh nói chung và hoạt động du lịch nói riêng mặc dù được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn rườm rà.

Hai là, công tác xây dựng và thực thi chính sách về du lịch trên địa bàn Huyện còn chậm chuyển biến trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, chưa có những dự án quy mô, đột phá cho du lịch. Vấn đề môi trường du lịch và đảm bảo vệ sinh, an toàn chưa bền vững.

Ba là, kế hoạch phát triển du lịch còn hạn chế, do đó, hoạt động du lịch huyện Hàm Thuận Nam có phát triển nhưng chưa phát huy, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.

Bốn là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch cho người dân và việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Năm là, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về du lịch trên địa bàn huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa thực hiện thường xuyên, kịp thời; chưa phát hiện được các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú do một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý du lịch của huyện chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch chuyên sâu, chủ yếu kiêm nhiệm, nên rất khó khăn trong việc phát hiện ra những hành vi vi phạm có tính chất phức tạp. Đồng thời, quy định của pháp luật lĩnh vực du lịch chưa rõ ràng, cụ thể, nên quá trình áp dụng pháp luật và việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng còn rất nhiều khó khăn[8].

Những tồn tại, hạn chế trong công tác QLNN về du lịch của UBND huyện Hàm Thuận Nam xuất phát từ các nguyên nhân:

Thứ nhất, mặc dù UBND huyện Hàm Thuận Nam đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch,… để phát triển du lịch, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản, trở ngại, thách thức. Từ đó, nhiều quyết sách vẫn chưa theo kịp với sự phát triển ngành Du lịch, nhất là công tác quy hoạch - dự báo[9].

Thứ hai, do yêu cầu của chính sách tinh giản biên chế, hàng năm UBND huyện Hàm Thuận Nam phải giao chỉ tiêu biên chế giảm dần, do đó số lượng biên chế cán bộ, công chức làm công tác quản lý về du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, một số công chức phải kiêm nhiệm nhiều việc, điều đó đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc chuyên môn.

Thứ ba, các cơ quan chức năng thuộc UBND huyện, các tổ chức, đoàn thể có liên quan chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động, hiệu quả trong công tác QLNN về du lịch ở địa phương, dẫn đến có lúc có nơi đạt hiệu quả chưa cao, như công tác kiểm soát thủ tục hành chính, công tác truyền thông xúc tiến du lịch, công tác xác minh và xử lý các hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, một số quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về du lịch còn vướng mắc gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn. Chẳng hạn, liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP) đã có sự nhầm lẫn giữa hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, điểm a khoản 9 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP) quy định cá nhân, tổ chức có hành vi “hành vi không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch” ngoài việc bị áp dụng các hình thức xử phạt chính là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng[10] còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng”. Trong khi đó, chế tài “Đình chỉ hoạt động có thời hạn” là một hình thức xử phạt chứ không phải biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP) chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cách xác định “số lợi bất hợp pháp” nên việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính” trên thực tế gặp nhiều khó khăn, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt...

3. Định hướng hoàn thiện

Thứ nhất, UBND huyện Hàm Thuận Nam xem việc phát triển du lịch một cách bền vững, lâu dài, khai thác có hiệu quả tài nguyên các thế mạnh của địa phương; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

UBND huyện Hàm Thuận Nam cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa địa phương. Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch mang bản sắc vùng miền của địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hàm Thuận Nam. Tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của địa phương trong quy hoạch chung của huyện Hàm Thuận Nam. Có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch biển, các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường…, để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chính sách, cơ chế xã hội hóa đầu tư hạ tầng du lịch; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Du lịch, từ đó hiện đại hóa công tác QLNN về du lịch. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hàm Thuận Nam cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý (như quảng bá hình ảnh du lịch Hàm Thuận Nam trên các mạng xã hội, các ứng dụng phát triển du lịch thông minh). Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược xúc tiến du lịch tầm nhìn 2030 - 2045 với các mục tiêu, định hướng cho từng giai đoạn gắn với thị trường truyền thống và các thị trường có tiềm năng. UBND huyện Hàm Thuận Nam và các cơ quan hữu quan cần thiết lập các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành của huyện trong quảng bá du lịch. Ngoài ra, cần khai thác đa dạng các kênh tiếp cận khách hàng, mạng xã hội, diễn đàn, blog du lịch, lữ hành, cổng thông tin du lịch internet (tripadvisor, agoda, lonely planet...).

Thứ hai, chú trọng hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực QLNN về du lịchđảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong QLNN về du lịch, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trong quản lý, đảm bảo giải quyết nhanh gọn các vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch.

Thứ ba, xác định chính xác phạm vi thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Đồng thờităng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động du lịch. Công khai, minh bạch các quy trình thanh tra, kiểm tra để làm cơ sở cho việc thanh tra, kiểm tra. Áp dụng linh hoạt các hình thức và thời điểm kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm, nhất là đối với công tác kiểm tra, thanh tra các dự án du lịch đang thực hiện. Đồng thời, cần quán triệt hoạt động thanh tra, kiểm tra không được chồng chéo, trùng lặp về thời gian, về nội dung nhằm tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Thứ tư, kiến nghị với các cơ quan nhà nước ở tỉnh và thông qua đại biểu Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch để khắc phục các bất cập còn vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định này trong thực tiễn. Đơn cử trong xử phạt vi phạm hành chính về du lịch, cần bãi bỏ quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “Đình chỉ hoạt động có thời hạn” tại điểm a khoản 9 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP) vì bản chất của chế tài này là hình thức xử phạt chứ không phải biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP) cần bổ sung những quy định hướng dẫn cụ thể để áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng trường hợp nhất định, đặc biệt là cách xác định “số lợi bất hợp pháp” có được do thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch để tránh tình trạng pháp luật có quy định nhưng không thực hiện được hoặc áp dụng một cách tùy tiện, không thống nhất.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Cao Vũ Minh (2019), Bất cập trong các quy định pháp luật liên quan đến sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, Tạp chí Khoa học pháp lý, (7). tr. 8.
  2. Nguyễn Nam (2022). 2022 - năm bùng nổ của du lịch nội địa. Truy cập tại: https://vnexpress.net/2022-nam-bung-no-cua-du-lich-noi-dia-4551918.html
  3. Nguyễn Đức Tân (2016), Bàn về phát triển sản phẩm du lịch, Tạp chí Du lịch, (7), tr. 14.
  4. Nguyễn Nhật Khanh (2020), Một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, (1), tr. 18.
  5. Trần Thanh Lâm (2004), Quản lý nhà nước về kinh tế, Nxb. Giáo dục, tr. 17.
  6. Đại học Kinh tế quốc dân (1999), Giáo trình khoa học quản lý, Nxb. Khoa học kỹ thuật, tr. 99.
  7. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Cảnh Hợp chủ biên (2017), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr. 47.
  8. Dương Hà Thanh (2015), Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch lữ hành, Tạp chí Quản lý nhà nước, (6), tr. 12.
  9. Nguyễn Trùng Khánh Trân (2021), Chiến lược phát triển du lịch trước những thách thức mới hiện nay, Tạp chí Cộng sản, (965), tr. 89.
  10. Khoản 7 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP).

THE STATE MANAGEMENT OF THE  PEOPLE'S COMMITTEE OF HAM THUAN NAM DISTRICT OVER TOURISM AND IMPROVEMENT DIRECTIONS

Nguyen Minh Thi

Master’s student, Phan Thiet University

Abstract:

State management of tourism is an organized and regular adjustment of the state by using the state power over tourism activities in order to create unity in the organization and implementation of tourism activities. This paper analyzes the current state management of the  People's Committee of Ham Thuan Nam District over tourism and proposes some directions to improve its state management.

Keywords: state management, tourism, economy, revenue.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3