Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử. Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), các quy định này trong dự thảo Luật vẫn còn chung chung và chưa cụ thể hóa cách thức xử lý, giải quyết, điều này sẽ trở thành rào cản cho các cơ quan áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý các đối tượng vi phạm.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, cần bổ sung các quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý như kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động đối với cơ quan, tổ chức.
Song song đó, đối với vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử cần được tiếp tục quy định cụ thể và chi tiết, vì hiện nay Luật Giao dịch điện tử còn quy định rất chung chung, hoặc ít nhất cần quy định theo hướng: trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử như thế nào? Giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật nào, Bộ luật Dân sự hay luật chuyên ngành nào khác có liên quan cũng cần được làm rõ.
ĐBQH Đổng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết thêm, thực tế các tranh chấp chủ yếu được giải quyết thông qua phương thức trực tiếp, truyền thống như thương lượng, hòa giải, trọng tài hay tòa án, trong khi đó đặc trưng của giao dịch điện tử là hình thức giao dịch được thực hiện trên thị trường phi biên giới. Chủ thể tham gia giao dịch có thể từ bất kỳ một quốc gia nào trên bản đồ thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến đang đặt ra yêu cầu nghiên cứu và triển khai thực hiện tại nước ta. Việc giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể và cơ quan quản lý như tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính chủ động.
Nghiên cứu mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến ở các nước trên thế giới, hiện có 2 xu hướng. Một là, mô hình thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc sự chỉ đạo, điều hành của một cơ quan quản lý trong bộ máy nhà nước. Hai là, pháp luật quy định các tổ chức tư vấn cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến hiện nay như đang áp dụng tại Mỹ. Các tổ chức này sẽ xây dựng website để tiến hành giải quyết tranh chấp trực tuyến với sự cộng tác của các hòa giải viên, trọng tài viên có chuyên môn cao.
Trong điều kiện nước ta, giải quyết tranh chấp thương mại điện tử trực tuyến còn rất mới mẻ. Việc quản lý đối với tổ chức cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp sẽ gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị, lựa chọn việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp online theo mô hình thứ nhất. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu thành lập một cơ quan, đơn vị có sự quản lý nhà nước để tiến hành giải quyết tranh chấp trực tuyến. Cơ quan này sẽ thực hiện 3 phương thức để giải quyết tranh chấp trực tuyến, đó là: hỗ trợ thương lượng trực tuyến, hòa giải trực tuyến và trọng tài trực tuyến.
Cơ quan giải quyết tranh chấp trực tuyến có trách nhiệm xây dựng hệ thống website, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết, tiến hành đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ giải quyết tranh chấp trực tuyến có kiến thức chuyên môn vững vàng. Đồng thời, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ phối hợp với hòa giải viên hay trọng tài viên có uy tín của các trung tâm trọng tài lớn trong nước để triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp cho phù hợp. Sau đó, một số đại biểu cũng đề nghị, nghiên cứu, chuẩn bị thêm các điều kiện cần thiết để áp dụng mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến khác, như giao cho các tổ chức tư được cung ứng dịch vụ giải quyết tranh chấp.
Không tạo rào cản cho giao dịch xuyên biên giới
Liên quan đến quy định chữ ký điện tử nước ngoài, ĐBQH Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định này, vì trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán có điện thanh toán SIP. Nếu chúng ta công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc trong thực tiễn hiện nay. Ví dụ như điện SIP trong các ngân hàng HSBC hoặc ngân hàng Citybank, nhờ đó góp phần đẩy mạnh hơn kinh tế số tại nước ta.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) lưu ý, việc dự thảo Luật quy định Nhà nước thực hiện việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt pháp lý. Vô hình trung sẽ tạo ra rào cản cho giao dịch xuyên biên giới, gia tăng chi phí cho các bên. Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng, các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, trong trường hợp chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và được Nhà nước công nhận chữ ký điện tử.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, chúng ta đang chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin thì từng phần, nhưng chuyển đổi số thì toàn dân, toàn diện. Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử rất phức tạp, rất khó nhưng cũng có thuận lợi là có nhiều nước đã đi trước. Kinh tế số của nhiều nước đã đạt 40 - 50%, trong khi nước ta mới đạt 12%, nên cần phải tham khảo, học hỏi nhiều. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các cam kết mà Việt Nam tham gia để nghiên cứu chắt lọc các nội dung, bảo đảm theo kịp với xu thế thế giới và phù hợp với thực tiễn nước ta.
Bộ trưởng cũng khẳng định đã lắng nghe, ghi chú cẩn thận các ý kiến phát biểu để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, với mong muốn, khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được thông qua và đi vào cuộc sống sẽ giúp nước ta chuyển đổi số thành công, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội hóa, sớm để Việt Nam trở thành quốc gia số phát triển an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-i307210/
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết