Thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại tỉnh Bình Dương và một số kiến nghị hoàn thiện


Bài viết "Thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại tỉnh Bình Dương và một số kiến nghị hoàn thiện" do ThS. Nguyễn Ngọc Quý (TAND TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thực hiện.

Tóm tắt:

Chế định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được xây dựng trên cơ sở những đặc trưng riêng có của đối tượng, vừa có tính răn đe nhưng bên cạnh đó cũng thể hiện rõ tính giáo dục, khoan hồng của Nhà nước. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong thực tế còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: hình phạt cảnh cáo không được áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; chưa quy định cụ thể mức phạt tiền tối thiểu đối với người dưới 18 tuổi; bất cập trong việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là người nước ngoài. Bài viết này phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Từ khóa: hình phạt, người dưới 18 tuổi phạm tội, hoàn thiện hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

1. Thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và những khó khăn, vướng mắc

Trong những năm gần đây, người dưới 18 tuổi[1] phạm tội ngày càng tăng về cả số lượng cũng như tính chất các vụ án ngày càng nghiêm trọng. Người dưới 18 tuổi là đối tượng đặc biệt vì chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm thần, khả năng nhận thức pháp luật còn hạn chế, hành vi thường mang tính bộc phát do bị lôi kéo hoặc bị kích động, họ chưa đủ khả năng làm chủ hành động của mình. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội khá phức tạp. Đồng thời, độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi còn rất trẻ, họ còn một tương lai dài phía trước. Vì vậy, không thể áp dụng hình phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội giống với những người đã thành niên mà phải áp dụng những quy định riêng đối với đối tượng này.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành Chương XII (Điều 90 - Điều 106) quy định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Những quy định tại Chương XII BLHS đã thể hiện chính sách hình sự nhân đạo hướng đến giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo Báo cáo thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tình hình thụ lý, xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội của Tòa án thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong 5 năm qua (2018-2022) như sau: tổng số 99 vụ án; 141 bị cáo; hình phạt tù 140 bị cáo (trong đó phạt tù nhưng cho hưởng án treo 21 bị cáo); cải tạo không giam giữ 01 bị cáo; việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp xử lý khác: không có.

Như vậy, theo số liệu về áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, nhận thấy:

Số bị cáo là người dưới 18 tuổi bị áp dụng hình phạt là tù có thời hạn (kể cả xử phạt tù cho hưởng án treo) chiếm tỷ lệ cao, chỉ có 1 trường hợp áp dụng cải tạo không giam giữ. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một không áp dụng biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo Điều 96 của BLHS năm 2015 với tư cách là biện pháp hỗ trợ hay thay thế cho hình phạt.

Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự hay miễn, giảm hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi cũng không được áp dụng. Ngoài ra, các biện pháp tư pháp thay thế hình phạt không được áp dụng.

Trong những năm qua, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã áp dụng đúng các quy định về quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, không được áp dụng. Có một số vụ án mặc dù hình phạt tiền đủ điều kiện được áp dụng nhưng Hội đồng xét xử lại không áp dụng mà lại áp dụng hình phạt tù có thời hạn.

Nhìn chung, Hội đồng xét xử rất hạn chế áp dụng các hình phạt không tước tự do cho người dưới 18 tuổi phạm tội như cảnh cáo, phạt tiền, mặc dù tại khoản 5 Điều 91 của BLHS đã làm rõ vấn đề này, nhưng thực tiễn cho thấy Hội đồng xét xử chủ yếu áp dụng hình phạt là hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, như đã thống kê từ năm 2018 đến năm 2022, tại Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong tổng số 141 bị cáo là người dưới 18 tuổi được đưa ra xét xử thì bị cáo bị áp dụng hình phạt tù chiếm gần như tuyệt đối 140/141 bị cáo.

Nguyên nhân có thể do các Thẩm phán sợ bị hủy án, sửa án (do lỗi chủ quan) nên lựa chọn con đường an toàn là tuyên hình phạt tù. Tại Mục I, Chương II của Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân quy định về xử lý trách nhiệm của Thẩm phán nếu áp dụng các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ không đúng. Điều này, dẫn đến thực trạng, nhiều Thẩm phán không dám áp dụng các hình phạt này như một hình thức “an toàn” cho mình.

Nguyên nhân tiếp theo do theo quy định tại Mục 4 Chương XII của BLHS hiện hành quy định về các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tại Điều 98 có quy định về hình thức phạt cảnh cáo là một trong bốn hình phạt được áp dụng cho chủ thể này. Nhưng trong BLHS hiện hành không có quy định chi tiết về điều kiện, mức phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vậy nên áp dụng Điều 34 của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định chung về hình phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, theo quy định này, hình phạt cảnh cáo chỉ áp dụng với người phạm tội ít nghiêm trọng. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Từ các quy định nêu trên, có thể hiểu cảnh cáo sẽ không được Tòa án áp dụng đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. Điều này chưa phù hợp, bởi luật có quy định nhưng không áp dụng được, dẫn đến những trường hợp áp dụng mức hình phạt nặng hơn so với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội. Thêm vào đó, pháp luật chưa quy định cụ thể mức phạt tiền tối thiểu đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tại Điều 99 của BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định về hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng nội dung chỉ quy định mức tối đa áp dụng hình phạt tiền là không quá 1/2 điều luật áp dụng đối với người đủ 18 tuổi mà không quy định mức tối thiểu là bao nhiêu. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 35 của BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng” nhưng quy định này là áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên.

Từ quy định trên có thể hiểu: hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có mức tối thiểu vẫn phải là 1.000.000 đồng. Tại Điều 90 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Do đó, trong trường hợp này, Điều 99 không quy định thì phải áp dụng khoản 3 Điều 35 của BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Mức tiền phạt… không được thấp hơn 1.000.000 đồng”. Như vậy, mức phạt 1.000.000 đồng là mức tiền phạt tối thiểu đối với hình phạt tiền, chứ không phân biệt là áp dụng đối với người dưới 18 tuổi hay đủ 18 tuổi trở lên phạm tội[2].

BLHS hiện hành quy định phạt tiền là một trong bốn hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tuy nhiên lại giới hạn chỉ áp dụng hình phạt này đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Việc giới hạn này làm cho phạm vi hình phạt không tước tự do đối với người dưới 16 tuổi phạm tội bị thu hẹp, trong khi cơ sở của sự thu hẹp này không thật phù hợp.

Thứ hai, BLHS hiện hành chưa quy định cụ thể về căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo quy định tại Chương XII BLHS hiện hành những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không có điều luật quy định riêng về căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi. Điều này làm cho Tòa án khó khăn trong việc quyết định hình phạt khi xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ ba, quy định về áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là người nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 98 của BLHS hiện hành, người dưới 18 tuổi phạm tội thì họ “…chỉ bị áp dụng…” bốn loại hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tù. Trường hợp người dưới 18 tuổi là người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam, theo quy định tại Khoản Điều 32 BLHS hiện hành Tòa án chỉ có thể áp dụng 4 loại hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tù mà không được quyền áp dụng hình phạt trục xuất với tư cách là hình phạt chính. Điều này là một trong những hạn chế, khó khăn cho Tòa án trong quá trình áp dụng hình phạt đối với người nước ngoài dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ tư, BLHS hiện hành quy định về trường hợp được miễn hình phạt, giảm hình phạt đã tuyên chỉ áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, thực tế xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội không có trường hợp nào được miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt do luật quy định dưới dạng tùy nghi thể hiện bằng cụm từ “có thể”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là từ ý chí chủ quan của Thẩm phán trực tiếp xét xử thường chọn giải pháp là xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo cho “an toàn”.

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội và trên thực tế Tòa án rất ít áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét xử. Nguyên nhân của việc Tòa án không áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi có đầy đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS hiện hành bởi do Thẩm phán chủ tọa còn bị chi phối về đề nghị hình phạt trong bản luận tội của Viện Kiểm sát mà chưa mạnh dạn áp dụng hoặc do đây là chế định mới nên Thẩm phán còn e dè trong việc áp dụng.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của BLHS hiện hành về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2002 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nêu một trong các nhiệm vụ của cải các tư pháp như sau: “... Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp phù hợp mục tiêu của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hương chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm...”.

Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nêu một trong các trọng tâm là Ðẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Đây là đường lối nhất quán của của Đảng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp pháp luật hình sự, cũng như đường lối xử lý đối với người phạm tội nói chung và người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng.

Xuất phát từ những vướng mắc nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, như sau:

Thứ nhất, bổ sung vào Mục 4 Chương XII của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 điều luật quy định về hình phạt cảnh cáo áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

“Điều… Cảnh cáo.

Cảnh cáo có thể được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng trong trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng tại Điều 54 Bộ luật này”.

Với quy định này nhằm tạo điều kiện việc có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo cho người dưới 18 tuổi phạm tội và cũng không mâu thuẫn với quy định tại Điều 34 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bởi Chương XII BLHS (Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) - quy định áp dụng riêng cho người dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ hai, để đảm bảo việc thống nhất áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cần bổ sung quy định về mức hình phạt tiền tối thiểu áp dụng vào Điều 99 BLHS như sau:

“Điều 99. Phạt tiền

Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng”.

Tham khảo pháp luật hình sự nước ngoài cho thấy, BLHS Thụy Điển quy định các hình phạt đối với người phạm tội nói chung gồm: phạt tiền, phạt tù, hình phạt có điều kiện, buộc phải chịu thử thách và đưa vào cơ sở chăm sóc đặc biệt và chỉ giới hạn “không áp dụng chế tài đối với người phạm tội khi chưa đủ 15 tuổi” (Điều 6 BLHS Thụy Điển) chứ không quy định giới hạn phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với bất kỳ độ tuổi nào. Tương tự như vậy, BLHS Singapore quy định hình phạt đối với người phạm tội nói chung gồm các hình phạt: tử hình, tù, tịch thu tài sản, phạt tiền và đánh roi và không có quy định nào loại trừ việc áp dụng hình phạt tiền với người trong độ tuổi nhất định phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, cần sửa quy định về hình phạt tiền theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Sửa đổi này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2002 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thứ ba, để tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc quyết định hình phạt, tác giả cho rằng cần bổ sung thêm một điều luật quy định cụ thể về căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Các căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phải dựa trên quy định tại Điều 50 BLHS và các nội dung về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội[3]. Do đó, kiến nghị bổ sung Điều luật về căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi như sau:

Điều...: Căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi, ngoài các nội dung quy định tại Điều 50, Tòa án cần căn cứ vào các nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Điều 91 của Bộ luật này”.

Thứ tư, bổ sung hình phạt trục xuất vào Điều 98 BLHS, nhằm đảm bảo căn cứ pháp lý khi áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi là người nước ngoài.

Thứ năm, tăng cường tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng án lệ liên quan đến việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Như vậy, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người dưới 18 tuổi phạm tội. Đặc biệt, các quy định về áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội với mục đích của việc áp dụng hình phạt là nhằm cải tạo, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội chứ không nhằm mục đích trừng trị. Nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số quy định chưa phù hợp, mâu thuẫn với nhau, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dưới 18 tuổi phạm tội. Do vậy, cần sửa đổi một số quy định của BLHS hiện hành về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cho phù hợp với thực tế.

 

Tài liệu trích dẫn:

[1] Là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015).

[2] Trần Minh Thảo (2019), Áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội từ thực tiễn Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

[3] Đặng Văn Thực (2021), Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Tạp chí Khoa học kiểm sát, Số 01/2021.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2018). Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, Hà Nội.
  4. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2018). Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện, Hà Nội.
  5. Trần Minh Thảo (2019). Áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội từ thực tiễn Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội-Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
  6. Đặng Văn Thực (2021). Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS năm 2015, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 01/2021.
  7. Nguyễn Gia Viễn (2018). Nguyên tắc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Tạp chí Kiểm sát, số 20 (tháng 10/2018).

 

The practice of applying penalties to under-18-year-old

offenders and some recommendations

Master. Nguyen Ngoc Quy

The People's Court of Thu Dau Mot City, Binh Duong Province

Abstract:

Penalties for under-18-year-old offenders are built on the specific characteristics of the subject. These penalties not only serve as a deterrent but also clearly demonstrate the educational and lenient nature of the law. However, the practice shows that it still faces difficulties and obstacles in deciding penalties for 18-year-old offenders. For example, warnings are not applied to people from 14 years old to under 16 years old; there is no specific regulation on the minimum fine for under 18-year-old offenders; and there are inadequacies in applying penalties to 18-year-old foreign offenders. This paper analyzes some difficulties and problems in applying penalties to under-18-year-old offenders and proposes some recommendations to improve related regulations.

Keywords: penalties, under 18 years old offenders, complete penalties for under 18 years old offenders.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]

 

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3