(CHG) Từ 6 giờ 00 phút đến 9 giờ 30 phút ngày 20/8/2024, tạm dừng lưu thông phương tiện tham gia giao thông tại ngã tư Trương Định- Nguyễn Huệ thuộc phường 2, thành phố Gò Công (Tiền Giang).
Đại biểu tham quan hình ảnh về AHDT Trương Định tại Hội thảo khoa học
Trao đổi PV, một đồng chí lãnh đạo UBND thành phố Gò Công cho biết, nhằm thực hiện Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 13/7/2024 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tổ chức Lễ hội văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864- 20/8/2024) và đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Trương Định. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang đã thông báo việc tạm dừng lưu thông vào ngày 20/8/2024.
Theo đó, tạm dừng lưu thông phương tiện tham gia giao thông tại ngã tư Trương Định- Nguyễn Huệ (khu vực Tượng đài Trương Định) thuộc phường 2, thành phố Gò Công, Tiền Giang để phục vụ tổ chức Lễ hội văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864- 20/8/2024) và đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Trương Định.
Anh hùng dân tộc Trương Định quê ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, ông về Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lập nghiệp, khai hoang, lập đồn điền. Khi thực dân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng, khiến quân thù khiếp sợ. Ông được suy tôn là “Bình Tây Đại nguyên soái”. Trong trận chiến ngày 20/8/1864, Trương Định bị thương nặng và ông đã tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc, bảo toàn khí tiết người anh hùng.
"Bình Tây Đại nguyên soái" Trương Định hy sinh nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc, giữ nước của ông mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Gò Công, là niềm tự hào của quê hương Tiền Giang, Quảng Ngãi và cả nước. Để tưởng nhớ nhân cách, tài năng và công lao to lớn của Trương Định, nhân dân đã lập nhiều đền thờ, miếu thờ mang tên ông…
Trước đó, vào ngày 16/8/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX”… Hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864- 20/8/2024), diễn ra đúng dịp các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đó là: Mộ và Đền thờ Trương Định (thành phố Gò Công); Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận), Ao Dinh (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông); Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).
5