Theo đề án, vị trí xây dựng Cảng Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ) và lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines… sẽ rất thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Quy mô dự án ước tính khoảng 571 ha, cầu cảng chính dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 Teu) – đây là đề xuất của Tập đoàn MSC là một hãng tàu container đứng tốp đầu thế giới.
Với Đề án xây dựng, Cảng Cần Giờ sẽ được đầu tư với tiêu chuẩn cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: Sở VHTT)
Cảng Cần Giờ đề xuất sẽ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính và đưa vào khai thác trước 2030; Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại, thời gian triển khai từ 2030-2045.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển, khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác...
Khi hình thành, cảng sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics... Ở giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, dự kiến cảng sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.
Đồng thời, Cảng Cần Giờ sau khi hoàn thành sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới và trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của Tp.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Cảng Cần Giờ cũng sẽ là đòn bẩy để thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM.
Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đặt trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước, bổ sung cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và nâng tầm toàn bộ cụm cảng biển số 4 thành một trung tâm cảng biển quốc gia, tầm quốc tế trong tương lai...
Vị trí được đề xuất xây dựng Cảng Cần Giờ (Ảnh: Sở VHTT)
Theo UBND Tp.HCM, Cảng Cần Giờ sẽ được xây dựng trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm các điều kiện như đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Tuy nhiên, sau khi gửi tờ trình về Đề án, tháng 9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tp.HCM cần khẩn trương xem xét và làm rõ những luận cứ về tác động, xung đột kinh tế của Cảng Cần Giờ với các bến cảng biển hiện hữu, cũng như hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tp.HCM phải đánh giá ảnh hưởng giữa phát triển bến Cảng Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Cũng theo UBND Tp.HCM, với mong muốn sớm được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác đúng kế hoạch, nên Tp.HCM đã khẩn trương yêu cầu các Sở, - Ngành tích cực triển khai nghiên cứu và đưa ra những đánh giá các công việc theo yêu cầu.
Đến nay, UBND Tp.HCM đã nhận được 13/16 văn bản góp ý kiến của 10 bộ ngành và 3 tỉnh liên quan. Từ đó, thành phố hoàn chỉnh đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo chỉ đạo.
UBND Tp.HCM cho biết, trong tờ trình lần này Tp.HCM cũng đã có những phân tích và kết luận cụ thể về những tác động khi xây dựng Cảng Cần Giờ đến khu cảng trong khu vực, nhất là hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cảng Cần Giờ đã có từ lâu trong ý tưởng, quy hoạch và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Chính phủ.
Việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ là để hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đông Nam bộ và Tp.HCM.
Theo định hướng về hạ tầng giao thông, giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ để kết nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ; đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh; đầu tư nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.
Song song đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác (dự kiến kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè); tuyến đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép; tuyến đường ven biển kết nối giữa TP.HCM (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |