Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay: Đến hết ngày 30/6/2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Tính đến ngày 31/1/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 2,838 tỷ hóa đơn điện tử (trong đó 753,46 triệu hóa đơn điện tử có mã và 2,085 tỷ hóa đơn điện tử không mã).
Riêng kết quả triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong hơn 1 tháng kể từ thời điểm chính thức vận hành từ ngày 15/12/2022 đã có 62/63 Cục Thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023), với tổng số NNT sẽ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 3.943 cơ sở kinh doanh, trong đó: doanh nghiệp là 1.850, hộ kinh doanh là 2.093.
Chỉ còn Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn chưa lập được danh sách người nộp thuế sẽ triển khai giai đoạn 1 với lý do còn có khó khăn trong việc thuyết phục người nộp chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử do đây không phải là quy định bắt buộc.
Trong số 62 Cục Thuế đã đăng ký triển khai giai đoạn 1 thì đã có 25 Cục Thuế chính thức phát sinh tiếp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Trong số 3.943 cơ sở kinh doanh đã đưa vào kế hoạch triển khai giai đoạn 1 thì đã có 805 cơ sở kinh doanh đã chính thức đăng ký và được chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền trên hệ thống của cơ quan thuế. Tổng số HĐĐT đang sử dụng của 3.943 cơ sở kinh doanh là 85.387.372 hóa đơn điện tử, trong đó có 544 hóa đơn điện tử là từ máy tính tiền đã được gửi đến hệ thống của cơ quan thuế.
Có 805 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền nhưng vẫn đồng thời sử dụng các hình thức hóa đơn điện tử khác nên việc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền còn chưa nhiều.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, cần tiếp tục quán triệt, tháo gỡ khó khăn để triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và đề xuất trong thời gian tới. Số lượng cơ sở kinh doanh đã đăng ký thành công trên hệ thống so với tổng số đã đăng ký theo kế hoạch của giai đoạn 1 mới chỉ đạt 20% là thấp và khả năng đạt được 100% trong 2 tháng tiếp theo là khó khăn.
Do đó, Tổng cục Thuế đã có kế hoạch ngay trong tuần sau (dự kiến ngày 7/2/2023) sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành để đôn đốc, quán triệt và hỗ trợ kịp thời những Cục Thuế còn khó khăn vướng mắc trong việc triển khai.
Đại diện cơ quan thuế cho rằng: Tỉ lệ cơ sở kinh doanh sử dụng toàn bộ hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không cao là do quy định hiện hành vẫn cho phép 1 cơ sở kinh doanh được đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử.
Do các cơ sở kinh doanh cần có thời gian để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị.
Thực tế đã có quy định bắt buộc người bán phải xuất hóa đơn cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần. Người mua hàng có quyền được nhận hóa đơn để minh bạch trong giao dịch mua bán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài ra còn được quyền tham gia dự thưởng chương trình hóa đơn may mắn.
Do đó, cơ quan thuế quyết liệt rà soát xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; Cần tăng cường tuyên truyền đến người dân về quyền lợi của việc yêu cầu lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ.
Cần thay đổi quy định về chương trình "Hóa đơn may mắn" như: Bổ sung số lượng giải thưởng để có tính lan tỏa rộng khắp cho người tiêu dùng; chỉ áp dụng "Hóa đơn may mắn" đối với hóa đơn từ máy tính tiền...
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế xây dựng trung tâm dữ liệu HĐĐT, sẵn sàng kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia (Bộ Công an đang chủ trì xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ) - Ảnh: VGP/HT
Khẳng định việc mở rộng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là xu hướng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công An cho rằng để đạt được mục tiêu là không đơn giản và có nhiều việc phải làm.
Về pháp lý, Thông tư, Nghị định, bảo đảm chấp hành luật thuế chung, đi đôi với khuyến khích người nộp thuế, bảo đảm thu đúng đủ tiền thuế. Cần có đủ công cụ cho các cơ quan nhà nước và cá nhân, tập thể thực hiện nghĩa vụ thuế.
Phải tính đến tiêu chuẩn lưu hành với các máy thanh toán đúng với tiêu chuẩn, bảo mật không để thất thoát dữ liệu người thanh toán... Cần hướng tới, các cá thể đều có mã thuế cá nhân vào căn cước công dân gắn chip.
"Ví dụ, các công dân Việt Nam và nước ngoài đến làm việc đều có mã thuế, cơ quan nhà nước cấp luôn không phải chờ đăng ký (như định danh điện tử). Tổng cục thuế cần có xác thực bảo đảm mỗi người dân có mã số đúng kịp thời, kết nối chia sẻ, thực hiện trách nhiệm, các đơn vị bộ ngành tiếp tục nâng cấp công nghệ, giải pháp bảo mật", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Đại diện Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Năm 2022, Bộ Tài chính trong đó ngành thuế, hải quan đã làm tốt các nhiệm vụ ngân sách. Hoạt động chống chuyển giá đã có những bước tiến mới, các nhà cung cấp nước ngoài ngay trong tháng 1/2023 đã nộp gần 2000 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời tăng cường các biện pháp để quản lý doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (các bộ, ban ngành, địa phương) tạo sự đồng thuận trong việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền tạo thói quen tiêu dùng văn minh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang gửi Thư công tác tới Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các cơ quan, ban ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với Cơ quanh thuế để triển khai thống nhất, hiệu quả.
Bộ Tài chính quyết tâm triển khai thành công ở các đơn vị có số lượng lớn trước tiên đó là Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, phấn đấu toàn bộ nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng... có hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị: Đối với lĩnh vực bán lẻ nói chung (bao gồm cả truyền thống và thương mại điện tử) cần có những giải pháp về hóa đơn điện tử đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu về xuất hóa đơn rất lớn, thường xuyên, liên tục.
Trong thời gian này cần chuyển đổi, nâng cấp dần hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin nên quy định hiện hành đang cho phép người nộp thuế thuộc lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng được lựa chọn (không bắt buộc) hình thức hóa đơn từ máy tính tiền.
Trong thời gian tới, sau khi các giải pháp kỹ thuật, năng lực phục vụ đã đáp ứng yêu cầu lớn thì cần sửa đổi, bổ sung các quy định về hóa đơn điện tử theo hướng bắt buộc lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng (bán lẻ) phải sử dụng hóa đơn từ máy tính tiền, đặc biệt trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc. Đồng thời quy định cụ thể các chế tài xử phạt nếu không áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Cần mở rộng hơn cả về số lượng cũng như mức giải thưởng của Chương trình "Hóa đơn may mắn" nhằm khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn, lan tỏa thói quen tiêu dùng văn minh...
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT theo hướng tập trung trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có gian lận thương mại hàng kém chất lượng vào vai trò của chủ sở hữu sàn TMĐT.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ theo hướng phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo yêu cầu tích hợp thông tin định danh cá nhân và thanh toán trên hóa đơn điện tử từ máy tính tiền vì hóa đơn này cũng là chứng từ thanh toán nếu thực hiện thực hiện thanh toán theo hình thức không dùng tiền mặt.
Bộ Công an cần tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Tài chính trong việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về đăng ký thuế của cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành về thuế để thực hiện sử dụng mã số thuế là số định danh cá nhân theo quy định Luật thuế, có giải pháp giúp lập và xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhanh chóng, thuận lợi.
"Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế xây dựng trung tâm dữ liệu HĐĐT, sẵn sàng kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia (Bộ Công an đang chủ trì xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ).
Nguồn: https://baochinhphu.vn/trien-khai-hoa-don-dien-tu-khoi-tao-tu-may-tinh-tien-can-phoi-hop-dong-bo-102230203191852047.htm
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết