​Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/5


(CHG) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

Nghị định số 25/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc và người quản lý sử dụng đường cao tốc.
Theo đó, doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc, gồm: Doanh nghiệp dự án được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư; doanh nghiệp thuê hoặc nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; doanh nghiệp được Nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đường cao tốc.
Người quản lý sử dụng đường cao tốc là cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, khai thác sử dụng tài sản công kết cấu hạ tầng đường cao tốc; doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc.
Phân cấp UBND tỉnh phê duyệt phương án tổ chức giao thông đường cao tốc
Theo quy định tại Nghị định số 32/2014/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý; phê duyệt phương án tổ chức giao thông đặc biệt trên đường cao tốc khi có thiên tai, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tình huống về quốc phòng, an ninh và quy định cụ thể trình tự, thủ tục việc lập, phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc.
UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải.
Tại Nghị định số 25/2023/NĐ-CP quy định,
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý; thỏa thuận phương án tổ chức giao thông với Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND cấp tỉnh khác trong trường hợp đường cao tốc hoặc đường khác do các cơ quan này đầu tư xây dựng kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình;
UBND cấp tỉnh được giao đầu tư xây dựng đường cao tốc trên địa bàn địa phương mình và địa phương khác phải thỏa thuận với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường cao tốc đi qua trước khi phê duyệt phương án tổ chức giao thông.
Bổ sung quy định đối với chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc
Nghị định số 25/2023/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về tổ chức giao thông trên đường cao tốc đối với Chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc. Theo đó, Chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc tổ chức lập phương án tổ chức giao thông trên các tuyến đường cao tốc, trình cơ quan theo quy định để xem xét, phê duyệt trước khi đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng.
Trường hợp cần điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc trong thời gian khai thác sử dụng, người quản lý sử dụng đường cao tốc lập phương án tổ chức giao thông điều chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền quy định xem xét phê duyệt.
Điều kiện đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng
Nghị định số 25/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về công trình đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng; tạm dừng khai thác đường cao tốc
Theo đó, đường cao tốc được đưa vào khai thác sử dụng khi đáp ứng các quy định sau:
- Đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- Phương án tổ chức giao thông đã được duyệt;
- Có quy trình vận hành khai thác đối với các hạng mục, thiết bị quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
Các hạng mục công trình và thiết bị phải có quy trình vận hành khai thác
- Công trình hầm trên đường cao tốc có sử dụng các thiết bị thông gió, lọc bụi, kiểm soát môi trường, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện và các thiết bị khác phục vụ khai thác sử dụng;
- Trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến;
- Các thiết bị lắp đặt vào công trình đường cao tốc gồm: thiết bị nhận dạng phương tiện giao thông, cân tải trọng, kiểm soát giao thông, quan trắc công trình, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ;
- Các trường hợp cần thiết khác do chủ đầu tư, người quản lý sử dụng đường cao tốc quyết định.
Tạm dừng khai thác đường cao tốc
Tạm dừng khai thác đường cao tốc là trường hợp tạm không sử dụng cho các phương tiện giao thông khai thác sử dụng một chiều, hai chiều, một đoạn hoặc cả tuyến đường cao tốc, trừ các phương tiện làm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông.
Các trường hợp đường cao tốc phải tạm dừng khai thác do không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng gồm: công trình bị hư hỏng do xảy ra sự cố công trình, do hậu quả của thiên tai, công trình bị hư hỏng không thể khai thác, sử dụng an toàn; sự cố cháy, nổ; xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm dừng khai thác để phục vụ cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn giao thông; khi xảy ra thảm họa, dịch bệnh hoặc khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm dừng khai thác đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ.
Chủ tịch
UBND cấp tỉnh quyết định tạm dừng khai thác đường cao tốc trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ.
Khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng, thì người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm kịp thời dừng khai thác sử dụng đường cao tốc và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông, tài sản khác; thực hiện các công việc để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình; bảo vệ hiện trường; tham gia cứu nạn, cứu hộ, giải quyết ùn tắc giao thông.
Sau khi quyết định tạm dừng khai thác sử dụng đường cao tốc, người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm thông báo ngay cho Cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường cao tốc, Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, chính quyền địa phương.
Phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án).
Mục tiêu của Đề án là nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng phó sự cố, thiên tai (ƯPSCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho cộng đồng; tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng chuyên trách và tính chủ động cho lực lượng tại chỗ; từng bước nâng cao hiệu quả ƯPSCTT và TKCN, giảm thiểu tổn thất về người và vật chất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đến năm 2030 hoàn thành 40% nội dung Đề án; đến năm 2045 hoàn thành Đề án.
Xây dựng lực lượng chuyên trách có trình độ chuyên môn cao
Cụ thể, Đề án phấn đấu đến năm 2030 phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai cho cộng đồng phù hợp với điều kiện vùng miền, chú trọng các loại hình sự cố, thiên tai thường xuyên xảy ra; hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành và ứng phó bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, kiện toàn tổ chức, trang bị, phương tiện chuyên dụng hiện đại và hoàn thiện cơ chế hoạt động của lực lượng chuyên trách phù hợp đặc thù công việc, có trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng xử trí tình huống sự cố, thiên tai và TKCN cơ bản thường xuyên xảy ra; tăng cường trang bị, phương tiện cho lực lượng tại chỗ để tham gia kịp thời, hiệu quả công tác ƯPSCTT và TKCN tại cơ sở.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp ƯPSCTT và TKCN với các nước có chung đường biên giới, các nước có vùng biển liền kề; rà soát, điều chỉnh, xây dựng, ban hành chính sách bảo đảm cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực ƯPSCTT và TKCN.
Sau năm 2030, định hướng đến năm 2045, Đề án phấn đấu xây dựng lực lượng chuyên trách có trình độ chuyên môn cao, trang bị phương tiện hiện đại, đủ khả năng xử trí mọi tình huống sự cố, thiên tai và TKCN trong nước và tham gia hoạt động cứu hộ, cứu nạn quốc tế; hoàn thiện cơ chế chính sách xã hội hóa hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN.
Hoàn thiện chính sách trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, chính sách trong hoạt động ƯPSCTT và TKCN; kiện toàn tổ chức, đầu tư trang bị, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ ƯPSCTT và TKCN; nâng cao năng lực tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai quốc tế cho 05 đội do Bộ Quốc phòng quản lý; tăng cường năng lực cho các lực lượng tại chỗ; nâng cao năng lực tuyên truyền, dự báo, cảnh báo, theo dõi giám sát sự cố, thiên tai và TKCN; hoàn chỉnh hệ thống các kế hoạch; tăng cường đào tạo, huấn luyện, diễn tập; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia.
Trong đó, Đề án thực hiện điều chỉnh, xây dựng, ban hành quy định, chính sách về tổ chức, bảo đảm hoạt động ƯPSCTT và TKCN; chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ƯPSCTT và TKCN; hoàn thiện quy chế quản lý, cấp phát, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra và thanh lý các loại trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa đảm bảo cho hoạt động ƯPSCTT và TKCN.
Xây dựng các trạm phối hợp TKCN trên biển đảo, lòng hồ thủy điện lớn và Trung tâm TKCN khu vực quần đảo Trường Sa; tăng cường huấn luyện, diễn tập phương án xử lý các tình huống sự cố, thiên tai và TKCN thường xảy ra trên địa bàn; vận hành cơ chế chỉ huy - điều hành ở các cấp, kết hợp sử dụng trang thiết bị mô phỏng nhằm nâng cao năng lực thực hành xử lý tình huống cho người chỉ huy, cơ quan các cấp cũng như các lực lượng thuộc bộ, ngành, địa phương...
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế 
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 534/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo).
Theo Quyết định, Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Các Phó Trưởng ban gồm:
- Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Trưởng ban Thường trực, phụ trách tổng kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng.
- Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Trưởng Ban, phụ trách tổng kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW trong lĩnh vực kinh tế.
- Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Trưởng Ban, phụ trách tổng kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.
Các Ủy viên thường trực gồm:
- Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết kiêm nhiệm việc điều phối, phối hợp việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng.
- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương điều phối, phối hợp việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW trong lĩnh vực kinh tế.
- Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều phối, phối hợp việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.
- Đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hỗ trợ công tác điều phối chung và các công việc khác do Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Quyết định nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, Trưởng ban Chỉ đạo có văn bản đề nghị các cơ quan, địa phương không phải thành viên của Ban Chỉ đạo cử đại diện tham gia các hoạt động của Ban Chỉ đạo và phối hợp, đóng góp vào việc xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW.
Ban Chỉ đạo có Tổ biên tập liên ngành là cơ quan giúp việc, gồm thành viên là cán bộ của các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công  an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; các Ban: Đối ngoại Trung ương; Kinh tế Trung ương, Tuyên giáo Trung ương; Văn  phòng Chính phủ và các cơ quan: Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế cũng đã ký Quyết định số 33/QĐ-BCĐTKHNQT ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Theo đó, Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện; các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và có trách nhiệm phối hợp với các thành viên khác trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng Ban trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Ban Chỉ đạo hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định Quy chế này và chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Các nội dung hoạt động quan trọng của Ban Chỉ đạo được quyết định tại phiên họp thường kỳ hoặc đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng ban khi được Trưởng ban ủy quyền. Trong trường hợp không tổ chức được cuộc họp, có thể thông báo và lấy ý kiến các Ủy viên bằng văn bản.
Đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm hoặc phát sinh vượt thẩm quyền, Ban Chỉ đạo trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức tổng kết, xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (Đề án Tổng kết Nghị quyết 22) và các văn bản có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22.
Tổ chức hội nghị, hội thảo; khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết tại một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nếu cần thiết; xây dựng dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị về kết quả Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 và các văn bản khác có liên quan.
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phân công của Trưởng Ban.
Giúp việc cho Ban Chỉ đạo là Tổ Biên tập, do Bộ Ngoại giao - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo - thành lập, có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và là đầu mối phối hợp giữa các đơn vị, cá nhân giúp việc các Ủy viên đôn đốc, tổng hợp báo cáo, cung cấp thông tin và triển khai các nhiệm vụ bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ.
Bộ Ngoại giao là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết 22./.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-20-5-102230521080251122.htm

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3