(CHG) Hàng hoá được phép lưu thông trên thị trường của các đơn vị sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về nhãn sản phẩm, cũng như các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, tại Trung tâm mua sắm Blue Mart, nhiều sản phẩm đang bày bán tại đây vi phạm nghiêm trọng về nhãn hàng hoá, cũng như kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Thông tin từ Tổng đài Chống hàng giả (Quỹ Chống hàng giả), người tiêu dùng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ảnh: Tại Thành phố Vũng Tàu, nhiều đơn vị kinh doanh sản hàng hoá mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng và kinh doanh hàng hoá nhập lậu một cách công khai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tiêu dùng của người dân thành phố. Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).
Thực tế cho thấy, qua quá trình khảo sát của phóng viên Tạp chí CHG, thông tin người tiêu dùng cung cấp tới Tổng đài Chống hàng giả hoàn toàn có cơ sở.
Trung tâm mua sắm Blue Mart, địa chỉ tại 71- 72, lô A, chợ Rạch Dừa, Thành phố Vũng Tàu
Điều đó được minh chứng: Tại trung tâm mua sắm Blue Mart, địa chỉ tại 71- 72, lô A, chợ Rạch Dừa, Thành phố Vũng Tàu, nhiều sản phẩm đang được bày bán có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về kinh doanh hàng tiêu dùng. Trong đó, nhiều sản phẩm như: Giày - dép; quần - áo; túi xách; ví da; đồng hồ; hoá mỹ phẩm; phụ kiện thời trang; kính mắt; đồng hồ các loại… có chữ trên nhãn gốc là tiếng nước ngoài, thế nhưng, không có nhãn phụ tiếng Việt. Một số sản phẩm thời trang không có chứng nhận hợp quy, thậm chí có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam: Gucci, Dior, Louis Vuitton, Chanel…
Sản phẩm đồng hồ, kính mắt có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán tại trung tâm mua sắm Blue Mart
Cùng với đó, nhiều sản phẩm là đồ chơi dành cho trẻ em, có nhãn gốc là chữ tượng hình, tuy nhiên, những thông tin tối thiểu để nhận biết về chất lượng hàng hoá, đơn vị sản xuất, nước sản xuất, thành phần, định lượng… và thông tin cảnh báo sản phẩm bằng tiếng Việt lại không được thể hiện. Điều đó sẽ rất nguy hại nếu một trong những sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em, bằng nhựa chứa thành phần chất cấm, hoặc cần có sự cảnh báo cho người sử dụng.
Các sản phẩm thời trang: Túi sách, giày- dép, quần áo có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, công khai bày bán tại trung tâm mua sắm Blue Mart
Nếu như trung tâm mua sắm Blue Mart, một đơn vị kinh doanh tổng hợp, đa dạng hoá sản phẩm, với giá thành bình dân, thì cửa hàng thời trang Kim Anh, có địa chỉ 1003/2 Bình Giã, phường Rạch Dừa, Thành Phố Vũng Tàu, là đơn vị kinh doanh chuyên biệt hàng thời trang và phụ kiện thời trang, với giá thành gần ngang bằng với hàng cao cấp. Tuy nhiên, giống như hàng hoá tại Blue Mart, tại đây, la liệt sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Thậm chí còn công khai quảng cáo các loại hàng hoá trên tại những vị trí trang trọng, nhiều người qua lại.
Hàng hoá có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán và quảng cái công khai tại cửa hàng thời trang Kim Anh
Phải chăng, các cơ quan chức năng tại đây chưa thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Vì vậy, mới dẫn tới việc các đơn vị kinh doanh trên địa bàn chia sẻ: “Chúng tôi chưa hiểu rõ luật lắm” - quản lý cửa hàng thời trang Kim Anh cho hay.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Nhằm thông tin đa chiều tới độc giả và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Vũng tàu, phóng viên Tạp chí CHG có buổi trao đổi thông tin với ông Lê Quang Hải, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nội dung: “Phía Cục QLTT tỉnh có biết việc Trung tâm mua sắm Blue Mart và cửa hàng thời trang Kim Anh đang kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng không”?, Ông Hải cho rằng: “Do lực lượng QLTT của tỉnh còn mỏng, phải thực hiện nhiều kế hoạch, chuyên đề cho nên thông tin của anh em (phóng viên) chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay…”.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu… là vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tiêu dùng của một quốc gia. Vì vậy, việc hai đơn vị trên kinh doanh các loại hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng hoá có dấu hiệu nhập lậu là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật. Các vi phạm trên có thể được xử lý bằng hành chính, thậm chí có thể xử lý hình sự (nếu sự việc có tính chất nghiêm trọng). Việc các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “quên’ tuyên truyền chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, có thể sẽ để lại những hệ luỵ khó lường đối với nguời tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến vấn đề hàng hóa tại hai cửa hàng trên, ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết:
“Trách nhiệm hành chính của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa được quy định rất cụ thể tại các văn bản quản lý nhà nước. Khi tham gia vào thị trường, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm đều phải bị xử lý theo các chế tài đã được pháp luật quy định.
Đối với các hành vi của shop kinh doanh như trên cho thấy: Việc kinh doanh sản phẩm hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu: kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; không rõ chất lượng; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu… là hành vi vi phạm hành chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, ngày 14 tháng 4 năm 2017 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP, ngày 09 tháng 12 năm 2022 quy định về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.
………………..
Mức xử phạt VPHC đối với lỗi vi phạm về nhãn hàng hóa có thể lên đến 120.000.000 đồng. Trong một số trường hợp vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm có liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục; bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm.
Ngoài hành vi vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa, cơ sở kinh doanh còn vi phạm: kinh doanh hàng hóa nhập lậu được quy định tại Nghị định 98/2020/ NĐ-CP ngày 26/8/2020 với mức xử phạt VPHC có thể lên đến 200.000.000 đồng và tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm / buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng / buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”
0
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết