(CHG) Phú Quốc, hòn đảo ngọc của Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và gian lận thương mại đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của địa phương cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành công văn chỉ đạo về công tác này, thế nhưng liệu các đơn vị liên quan có thực hiện một cách nghiêm túc?
Trụ sở UBND thành phố Phú Quốc.
Những “cánh chim” không mỏi, “đưa thư” mà chẳng thấy hồi âm
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại thường xuyên đăng tải thông tin liên quan đến những thắc mắc của quần chúng nhân dân bản địa, du khách trong và ngoài nước về vấn nạn hàng tiêu dùng, đồ lưu niệm... có dấu hiệu: nhập lậu; gian lận thương mại; giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam; kém chất lượng... được một số “gian thương” công khai bày bán, nhằm trục lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của thành phố Phú Quốc.
Mặc dù ngày 09/09/2024, UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn số 8477/VP-KT gửi Sở Công thương về việc thẩm tra, xác minh những thông tin mà Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại đã nêu.
Nội dung công văn có nêu: “Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giang Thanh Khoa có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Công thương (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/KG) chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND thành phố Phú Quốc và các đơn vị có liên quan thẩm tra, xác minh, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 20/9”.
Mặc dù ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang là vậy, thế nhưng đến nay đã 40 ngày, những thông tin tiêu cực về hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm tại thành phố Phú Quốc vẫn không ngừng gia tăng. Thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng liệu các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh có đang thực hiện một cách nghiêm túc nhiệm vụ của UBND tỉnh Kiên Giang giao phó? Những đơn vị này đã báo cáo những gì với UBND tỉnh Kiên Giang?
Thắc mắc của quần chúng nhân dân không hẳn là thiếu cơ sở, bởi ngày 09/10/2024 và ngày 10/10/2024, phóng viên Tạp chí CHG tiếp tục khảo sát (theo nội dung Quỹ Chống hàng giả bàn giao) một số đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng và đồ lưu niệm tại địa bàn thành phố Phú Quốc, nhận thấy hàng tiêu dùng và đồ lưu niệm có dấu hiệu vi phạm và vi phạm đang có xu hướng trở thành vấn nạn. Nhiều đơn vị tại đây có dấu hiệu coi thường pháp luật, “nhờn luật”, hoạt động “ngoài luật”. Mặc dù đã bị cơ quan báo chí “điểm mặt, chỉ tên” những đơn vị: Ngọc Hiền Pearl Farm; Long Beach Center; Trung tâm kinh doanh đồ lưu niệm Việt Phú; Công ty Đồng Phú; Công ty Ngọc Bảo; Trung tâm mua sắm Hương Đảo; siêu thị Bùi Mart; siêu thị Hải Sơn Mart; siêu thị K+mark và siêu thị Dugong Mart... dường như vẫn "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".
Những Sản phẩm mỹ phẩm không có số lô sản xuất (hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ), trang sức mỹ nghệ là vàng, bạc có gắn ngọc trai vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa vẫn công khai bày bán tại Ngọc Hiền Pearl Farm (ảnh ngày 10/10/2024)
Mỹ phẩm "nhiều không" và sản phẩm mỹ nghệ là bạc có đính kèm ngọc trai và đá quý vi phạm ghi nhãn hàng hóa vẫn ngang nhiên bày bán tại Công ty Ngọc Bảo.
Không chỉ vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa, tại đơn vị Kiss Latex nhiều sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán công khai (ảnh 10/10/2014)
Nghi vấn Lụa Việt Phú có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm (ảnh 10/10/2024).
Cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc xuất xứ những sản phẩm cao su non tại đơn vị kinh doanh Đồng Phú (ảnh 10/10/2024)
Một số đơn vị không những tiếp tục “chình ình” hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm, mà còn có diễn biến phức tạp, có thể gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng như: kinh doanh mỹ phẩm có chứa chất cấm, kinh doanh mỹ phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ (Ngọc Hiền Pearl Farm, Công Ty Ngọc Bảo...), cũng như có dấu hiệu kinh doanh ngoại tệ trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tiền tệ của Nhà nước (Long Beach Center, Ngọc Hiền Peal Farm).
Việc hàng tiêu dùng, quà tặng, đồ lưu niệm có dấu hiệu vi phạm và vi phạm vẫn “nhơn nhơn” trên quầy kệ, các gian trưng bày của các đơn vị này khiến không ít quần chúng nhân dân đặt nghi vấn: phải chăng quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tại đây không được bảo vệ một cách chính đáng, trong khi đó ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái đang cận kề - ngày 29/11.
Bên cạnh đó, những bài báo phản biện, những phân tích, đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, những ý kiến đóng góp thẳng thắn gửi tới UBND thành phố Phú Quốc, cùng công văn gửi tới các cơ quan chức năng liên quan: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang; Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang... đến nay phía Tạp chí CHG mới chỉ nhận được công văn từ phía UBND tỉnh Kiên Giang trong việc chỉ đạo thẩm tra, xác minh những thông tin Tạp chí đã nêu, chẳng khác gì những "cánh chim" không mỏi, đưa thư mà chẳng thấy hồi âm.
Thách thức cho ngành du lịch Phú Quốc
Hàng hóa có dấu hiệu: giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận thương mại, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng tại Phú Quốc. Nhiều sản phẩm được quảng bá là hàng cao cấp, nhưng thực chất lại là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở chợ đêm, các cửa hàng nhỏ lẻ mà còn len lỏi vào các trung tâm thương mại lớn. Du khách khi đến Phú Quốc không chỉ bị lừa bởi chất lượng sản phẩm, mà còn phải đối mặt với giá cả không hợp lý cho những mặt hàng giả mạo trên.
Có thể nói, vấn nạn đó đang ở mức báo động báo động đỏ, "căn bệnh" đang trầm kha, kháng thuốc. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh chân chính (đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa) gặp khó khăn trong việc cạnh tranh công bằng với những sản phẩm kém chất lượng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu mà còn đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người lao động.
Sự bùng nổ của vấn nạn trên đã, đang và sẽ gây mất niềm tin nghiêm trọng đối với người tiêu dùng, đặc biệt là du khách. Khi khách hàng trải nghiệm những sản phẩm kém chất lượng, họ không chỉ cảm thấy thất vọng mà còn có thể từ chối quay lại Phú Quốc trong tương lai. Đặc biệt, không ít du khách cho rằng đã bị lừa bởi các gian thương tại đây và cho biết họ sẽ không quay trở lại.
Ngoài ra, việc mua sắm cũng trở thành một trải nghiệm không thoải mái khi người tiêu dùng không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Điều này tạo ra tâm lý e ngại và lo lắng mỗi khi họ muốn tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của toàn bộ khu vực.
Trong khi đó, ngành du lịch của Phú Quốc không chỉ phụ thuộc vào cảnh đẹp và dịch vụ tốt, mà còn dựa vào chất lượng sản phẩm mà du khách mua sắm. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái tồn tại sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có việc giảm sút số lượng du khách và doanh thu từ du lịch. Khi du lịch suy giảm, các ngành dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến sự sụt giảm trong nền kinh tế địa phương.
Hơn nữa, vấn nạn trên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Phú Quốc trên bản đồ du lịch thế giới. Những thông tin tiêu cực về nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng hóa gian lận thương mại... sẽ nhanh chóng lan rộng qua mạng xã hội và các trang web đánh giá du lịch, gây khó khăn cho công tác quảng bá du lịch của tỉnh Kiên Giang. Từ đó, không chỉ niềm tin của du khách trong nước bị suy giảm, mà cả du khách quốc tế cũng có thể chọn lựa các điểm đến khác thay vì Phú Quốc.
Giải pháp nào xử lý vấn nạn trên?
Mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang đã có những động thái nhằm kiểm soát vấn nạn trên bằng công văn số 8477/VP-KT về việc thẩm tra, xác minh những thông tin mà Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại đã nêu, thế nhưng những biện pháp này dường như chưa đủ mạnh mẽ và quyết liệt. Sự thiếu thẳng thắn trong việc nhìn nhận và đánh giá đúng mức vấn nạn này đã dẫn đến những phản ứng chậm chạp và chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kiên Giang cần khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa như tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và xây dựng các chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Việc hợp tác với các doanh nghiệp để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, bảo đảm chất lượng sản phẩm là điều cần thiết để khôi phục niềm tin của du khách.
Để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái, và gian lận thương mại, các biện pháp cần được thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn. Trước hết, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, các trung tâm bán hàng lưu niệm và các điểm du lịch mà cơ quan báo chí đã nêu. Các lực lượng chức năng cần được trang bị đầy đủ về kiến thức và công cụ để xử lý hiệu quả các vụ vi phạm.
Cùng với đó, cần triển khai các chương trình tuyên truyền cho người tiêu dùng về cách nhận diện hàng giả, hàng nhái. Điều này không chỉ giúp du khách tự bảo vệ mình mà còn tạo ra áp lực cho các nhà sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cuối cùng, chính quyền cần xây dựng một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh. Chỉ khi nào vấn nạn hàng giả, hàng nhái được giải quyết triệt để, Phú Quốc mới có thể tự tin vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới.
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại và hàng hóa kém chất lượng tồn tại trên địa bàn thành phố Phú Quốc không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề sinh tồn của ngành du lịch nơi đây. Bởi vậy, UBND tỉnh Kiên Giang cần làm rõ vai trò trách nhiệm của tập thể cá nhân những người đứng đầu của thành phố Phú Quốc khi quá “thờ ơ”, “vô cảm”, để mặc vấn nạn trên hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đẹp của Phú Quốc trong lòng du khách.
UBND tỉnh Kiên Giang cần thẳng thắn nhìn nhận và có những biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan cần thực hiện một cách nghiêm túc, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Để Phú Quốc tiếp tục là điểm đến yêu thích của du khách, việc bảo vệ uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm là điều vô cùng cần thiết.
Sáng ngày 8/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa, nêu cao trách nhiệm vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo chỉ đạo; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, các ngành các cấp của hệ thống chính trị trong thực thi nhiệm vụ và cung cấp thông tin; tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện lỗ hổng trong thực thi đạo đức công vụ; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng để người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông minh; tiếp tục rà soát điều chính các quy định của pháp luật còn bất cập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, khoa học công nghệ để đối phó với các hành vi vi phạm; tích cực tham khảo kinh nghiệm, cách làm hay, giải pháp tốt của quốc tế.
|
Hộp thư ngày 22/8/2023 nhận thông tin phản ánh liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc Dân, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) và nhiều đơn vị khác.
Xem chi tiếtHộp thư ngày 8/8/2023 nhận thông tin phản ánh liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Công Thương Yên Bái và nhiều đơn vị khác.
Xem chi tiết(CHG) Theo thông tin từ Điện lực miền Trung (CPCCC), đơn vị vừa phát hiện thêm trường hợp đối tượng vận hành một trạm thu phát sóng giả (BTS giả), gửi tin nhắn mạo danh EVNCPC đến người dân đề nghị “thanh toán tiền điện”.
Xem chi tiết(CHG) Quá trình điều tra ban đầu xác định tổng số tiền các đối tượng phạm tội thông qua các công ty trung gian thanh toán tổ chức cho vay lãi nặng tính đến thời điểm bắt giữ là 18.895 tỷ; thu lợi bất chính số tiền trên 8.000 tỷ đồng; tổ chức "rửa tiền" và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam trên 5.000 tỷ đồng.
Xem chi tiết(CHG) Mới đây, Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn trình báo của một người dân bị lừa đảo với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Xem chi tiết