(CHG) Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, ưu tiên xét đến các hình thức giao dịch điện tử thông qua internet. Đây là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, tạo phương thức sản xuất và cấu trúc. Do đó, cần phải có chiến lược thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế số ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Việt Nam có lợi thế phát triển kinh tế số
Vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Vào ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ- TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Chiến lược cũng nhắc lại mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, trong đó tỷ trọng từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Trong những năm qua, nền kinh tế số của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Việt Nam đã xây dựng và triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Là quốc gia với gần 100 triệu dân đang ở trong thời kỳ dân số vàng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số (tỷ lệ người sử dụng dụng internet chiếm trên 70% dân số, và là quốc gia có hạ tầng số ở mức khá trong khu vực Đông Nam Á). So với cùng kỳ năm 2020, kinh tế số của Việt Nam năm 2021 tăng 31%, đạt 21 tỷ USD (trong đó thương mại điện tử tăng 53%) và dự kiến tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.
Theo đó, chiến lược chuyển đổi số quốc gia có thể chia làm 4 giai đoạn, bắt đầu từ Nghị quyết số 52-NQ/TW (27/9/2019) của Bộ Chính trị, bao gồm một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3%, chiếm 54,51% tổng số thủ tục hành chính và tiệm cận mục tiêu đạt 100% vào năm 2025. Bên cạnh đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến lần lượt đạt 67% và 43,2%.
Tuy nhiên, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn ở mức thấp, chỉ đạt 3% (cuối tháng 6/2022), trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 100%.
Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Song, chỉ tiêu này vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.
Trong khi đó, với khoảng 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động (tháng 6/2022), Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượt tải mới. Số lượt người dùng hằng tháng trên tất cả các nền tảng số di động Việt Nam tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế số. Ảnh minh hoạ.
Những thách thức mang tính thời đại của kinh tế số.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động Chương trình “Tháng 10-Tháng tiêu dùng số” hướng tới mục tiêu để người dân thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng. Cho thấy kinh tế số đã được các tầng lớp nhân dân quan tâm.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế số vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức mang tính thời đại, trong đó mấu chốt nhất là 3 vấn đề:
Thứ nhất, môi trường thể chế và pháp lý chưa chặt chẽ, đồng bộ. Điều này thể hiện qua việc nhiều văn bản pháp luật ban hành đã lạc hậu, nhiều nội dung còn thiếu đồng bộ, thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, vấn đề bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân chưa cụ thể; thiếu quy định về quyền cá nhân khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các quy định về định danh số và xác thực điện tử cho người dân đã có chủ trương nhưng vẫn chậm ban hành.
Thứ hai, hạ tầng công nghệ thông tin còn đang ở tình trạng xây dựng riêng rẽ, độc lập, do đó chưa đảm bảo tính liên tục của dịch vụ.
Việc chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ/ngành chưa đồng bộ do mỗi bộ/ngành đều đang sử dụng hệ thống máy chủ và quản trị dữ liệu riêng, dẫn đến tình trạng chưa thống nhất dữ liệu quốc gia.
Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng các yêu cầu về phát triển internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh…
Thứ ba, nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số chưa đáp ứng yêu cầu. Nhân lực số và công dân số gồm lực lượng chuyên gia, nhân lực công nghệ số và người dân được phổ cập kỹ năng số, đóng vai trò quyết định cho phát triển kinh tế số, xã hội số của quốc gia.
Nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số của Việt Nam còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Theo báo cáo về thị trường IT Việt Nam năm 2021 của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực trong ngành Công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực Công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn chỉ xếp hạng trung bình khá về chất lượng chuyên môn và năng lực sáng tạo trong kinh tế số so với thế giới.
(Còn tiếp)
0