(CHG) Thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ, cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực quảng bá, xuất khẩu hàng hóa. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết cũng như năng lực, khi tham gia sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Doanh nghiệp Việt đã lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hỗ trợ nâng cao năng lực xuất khẩu
Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có số người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến lớn. Do vậy, việc tham gia kênh phân phối thương mại điện tử quốc tế thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tiếp thu, tiếp cận thị trường xuất khẩu, giao thương kết nối một cách hiệu quả.
Ngày 6/10/2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - IDEA (Bộ Công thương), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức Hội nghị “Nâng cao năng lực sản xuất và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới”.
Theo ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), trên thế giới, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025.
Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; Quy mô thị trường B2C thương mại điện tử ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự báo giai đoạn 2022-2025, thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25% năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội (Hanoisme), thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Đây là hoạt động thương mại không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải, việc đăng ký trở thành đối tác của các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt. Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và chất lượng, chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế; bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ Amazon, đáp ứng tiêu chí của thị trường, đồng thời phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Thực tế, khi lên được sàn rồi, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp. Hiện đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nên quá trình lên sàn thương mại điện tử quốc tế không hề dễ dàng.
Để khắc phục khó khăn này, đại diện các doanh nghiệp có chung kiến nghị, thời gian tới cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng trong việc trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường… để tránh những rủi ro trong giao dịch hàng hóa, thanh toán.
Nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quảng bá, xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng về thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở ra cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt nam tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh minh họa.
Những điều cần chuẩn bị khi tham gia thương mại điện tử
Thương mại điện tử xuyên biên giới là hoạt động kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ đến các khách hàng quốc tế thông qua hình thức trực tuyến. Doanh nghiệp có thể kinh doanh thông qua website, cửa hàng trực tuyến hay các sàn thương mại điện tử. Thương mại điện tử quốc tế có thể được thực hiện dưới cả 3 hình thức B2B, B2C và C2C.
Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là vấn đề mới mẻ với doanh nghiệp xuất khẩu, với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế; cùng nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những hiểu biết, kỹ năng tốt để tham gia kênh phân phối này như: Vấn đề gian lận thanh toán, logistics, những quy định và luật pháp khác liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa, hình thức giao hàng, thanh toán nhằm tránh rủi ro khi vận chuyển sang quốc gia khác…
Những điều luật mà doanh nghiệp cần nắm rõ khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới như:
Gian lận thanh toán: Là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện hoạt động thương mại điện tử đa quốc gia. Để hạn chế gian lận thẻ tín dụng, hầu hết nhà kinh doanh sẽ kích hoạt AVS, hoặc hệ thống xác minh địa chỉ, cho phép người mua sử dụng thẻ tín dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp nên kiểm tra kỹ IP và địa chỉ thẻ tín dụng có khớp nhau hay không, nhằm tránh các rủi ro thanh toán.
Logistics: Khi kinh doanh đa quốc gia, logistics và logistics ngược là những thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp do chi phí vận chuyển cao, các thể loại thuế và quy tắc xuất nhập khẩu phức tạp, rủi ro do các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh khiến hàng hóa không đến tay khách đúng thời gian dự tính. Doanh nghiệp cần dự báo trước các khó khăn, rủi ro có thể xảy ra, từ đó xây dựng cho mình các giải pháp để xử lý các tình huống đó.
Quy định và luật pháp: Thuế, giấy phép và thủ tục hải quan là những tài liệu mà mọi doanh nghiệp kinh doanh xuyên biên giới phải nắm chắc. Ngoài ra, công ty cần biết đến những quy định và luật pháp khác liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa, hình thức giao hàng, thanh toán nhằm tránh rủi ro khi vận chuyển sang quốc gia khác. Nhà quản lý có thể thuê một bên thứ ba chuyên tư vấn luật pháp quốc tế để biết rõ những chính sách, luật lệ trong thương mại đa quốc gia.
Nắm rõ các quy định và luật pháp: Mặc dù thương mại điện tử đa quốc gia tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới, nhưng mỗi thị trường lại có những quy định, yêu cầu khác nhau về chất lượng sản phẩm, cách thức giao dịch… Để có thể triển khai thương mại điện tử đa quốc gia một cách hiệu quả, đòi hỏi doanh nghiệp cần nắm rõ những yêu cầu này.
Áp dụng công nghệ: Doanh nghiệp cần nắm rõ tất cả các bước quy trình vận hành logistics, bao gồm từ xử lý đơn hàng, quản lý hàng tồn cho đến vận chuyển và bảo quản hàng hóa.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ như hệ thống ERP nhằm quản lý và đồng bộ dữ liệu, tự động hóa các hoạt động quản lý đơn hàng, quản lý tình trạng hàng tồn và vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, từ đó, giảm thiểu rủi ro.
Tối ưu hóa chi phí logistics: Việc tính toán các phương án logistics sao cho tối ưu chi phí, để có giá bán hàng cạnh tranh cũng là một trong những vấn đề quan trọng khi phân phối hàng hóa tại thị trường quốc tế. Doanh nghiệp có thể tập trung hàng hóa vào một kho, lựa chọn một đối tác cung cấp dịch vụ logistic toàn diện từ lưu kho đến vận chuyển, tự động hóa quy trình xử lý đơn hàng…
Với cách vận hành như đã nêu, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành phương thức kinh doanh nổi bật hiện nay, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, việc kinh doanh trực tuyến đa quốc gia yêu cầu các công ty cần chuẩn bị cho mình những kiến thức sâu rộng về thị trường, luật pháp, các công cụ công nghệ và xây dựng phương pháp logistics tối ưu nhất.
Áp dụng công nghệ như hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) là phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp. Hệ thống này cho phép tiếp cận các dữ liệu nội bộ được chia sẻ nhằm quản lý được toàn bộ hoat động của công ty. Cụ thể hơn: R-Resource: ứng dụng ERP vào trong doanh nghiệp chính là tận dụng được toàn bộ tài nguyên của công ty, đặc biệt là nguồn nhân lực. Khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai hệ thống ERP, cần có sự trao đổi chặt chẽ giữa người quản lý và nhà tư vấn, giai đoạn này sẽ quyết định hơn 50% sự thành công của hệ thống ERP.
P-lanning: Hệ thống ERP hỗ trợ công ty lên trước các kế hoạch, nghiệp vụ trong sản xuất, kinh doanh. Phần hoạch định sẽ vạch ra hướng đi cho doanh nghiệp, việc tính toán và dự báo các khả năng có thể phát sinh trong tương lai sẽ tác động tới các hoạt động sau đó. Ví dụ, phần mềm ERP tính toán chính xác kế hoạch cung ứng nguyên vật liệu cho mỗi sản phẩm dựa theo năng suất, tiến độ, khả năng cung ứng nguyên vật liệu, tránh lượng lớn tồn kho lớn gây đọng vốn.
E-Enterprise: Chính là doanh nghiệp – thứ mà ERP muốn nhằm tới. Mục đích chính của hệ thống này là kết nối và đồng bộ công việc giữa các phòng ban, cập nhật mọi thông tin cần thiết theo thời gian thật, thêm tính tự động trong hoạt động công ty và giảm sai sót trong quá trình xử lý nghiệp vụ. |
0