Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mía đường trong bối cảnh hội nhập


TÓM TẮT:
Ngành Mía đường Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế do năng suất thấp, sản xuất manh mún và giá thành cao. Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA) có hiệu lực đi kèm với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan vừa tạo ra cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp ngành Mía đường.
Từ khóa: ngành Mía đường, ATIGA, doanh nghiệp, mía đường, phá giá, hội nhập.

1. Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATIGA)

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) là một trong những Hiệp định cơ bản của Cộng đồng Kinh tế ASEAN  (AEC), được ký vào tháng 2/2009 có hiệu lực từ ngày 17/5/2010. Tiền thân của ATIGA là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992.

ATIGA là Hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối, được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. (Hình 1)

Mía đường

Lộ trình cắt giảm thuế quan của các nước Asean-6, gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, thường ngắn hơn các nước còn lại (nhóm CLMV), gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.

Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, Asean đã thống nhất xóa bỏ toàn bộ thuế quan đối với Asean-6 vào năm 2010 và với các nước CLMV vào năm 2015, với một số dòng thuế linh hoạt đến năm 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế). Ngoài ra, một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam như mía đường,… được phép duy trì mức thuế suất 5% sau giai đoạn 2018. Đa số các sản phẩm trong biểu thuế quan sẽ được các nước xóa bỏ hoặc giảm xuống còn dưới 5%, trừ một số sản phẩm nhạy cảm, như: các sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến, súng đạn, thuốc nổ, rác thải,…

Thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực và nghiêm túc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong CEPT/AFTA và ATIGA. Theo cam kết, Việt Nam sẽ cắt giảm về 0% tất cả các mặt hàng trao đổi trong ASEAN, trừ các mặt hàng nằm trong danh mục loại trừ chung. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, Việt Nam đã và đang thực hiện với lộ trình cụ thể như sau: đến ngày 1/1/2014, đã cắt giảm về 0% đối với 6.897 dòng thuế (72% tổng biểu thuế nhập khẩu); đến ngày 1/1/2015, tiếp tục cắt giảm về 0% thêm 1.706 dòng thuế; đến ngày 01/01/2016, đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 91% số dòng thuế của biểu thuế (8.618 dòng thuế trong tổng số 9471 dòng); đến thời điểm cuối lộ trình (2024), Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ 98,2% số dòng thuế. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp nội địa, trong đó phải kể đến doanh nghiệp mía đường khi trong thời gian tới thuế suất mặt hàng này sẽ về mức 5% và nhiều hạn ngạch bị gỡ bỏ.

2. Những thách thức đối với doanh nghiệp mía đường

Vừa qua, ngành Mía đường đã gặp khó khăn do giá đường xuống thấp, ảnh hưởng của thời tiết làm năng suất, trữ đường giảm… khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Đặc biệt, trong niên vụ 2020-2021, diện tích, sản lượng mía tại phần lớn các địa phương đều giảm; các doanh nghiệp cũng đang đứng trước nỗi lo giảm lợi nhuận do giá đường đi xuống. Giá đường trong nước đã giảm 8-10% so với mức đỉnh vào quý 3 năm 2022. Hiện tại, giá đường giảm nhẹ xấp xỉ 3% so với giá bình quân quý 2/2022, giá đường tại nhà máy xấp xỉ 17.250-17.700 đồng/kg. Trên thực tế, trong niên vụ vừa qua, do giá đường xuống thấp, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng hoặc không bán được sản phẩm, dẫn đến nợ tiền mua mía nguyên liệu, lương công nhân ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, hiện cả nước hiện có 41 nhà máy đường, với tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày, sản lượng trên 1 triệu tấn đường/năm. Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn, những nhà máy lạc hậu, cũ kỹ này thực sự là nỗi lo với ngành Đường trong nước khi mở cửa hội nhập… Đánh giá về thực trạng ngành Đường Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, hiện Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi đường từ  Thái Lan. Trong khi đó, thị trường trong nước tiêu thụ chậm, đường lậu lại diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới. Ngoài ra, việc thực hiện cam kết nhập khẩu một lượng đường nhất định tăng 5% mỗi năm với WTO, kết hợp với tình trạng gian lận thương mại từ các quốc gia trong khu vực, ngành Mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn lớn từ trong ra ngoài. Điều này đã được minh chứng cụ thể với tình trạng sau:

Giá đường trong nước ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao

Những diễn biến trên thế giới hiện tại đang tác động thúc đẩy tăng giá đường. Việc giá nhiên liệu liên tục đạt mức cao nhất trong hàng thập kỷ thời gian qua đã thúc đẩy sản xuất cồn sinh học (ethanol) từ mía. Giá năng lượng tăng, dẫn đến nhu cầu đối với ethanol làm từ đường (chủ yếu ở Brazil) tăng lên khiến lượng đường xuất khẩu của Brazil sẽ ít hơn. Việc nhiều “cường quốc” mía đường như Brazil và Ấn Độ tăng cường trực tiếp điều tiết sản lượng và gián tiếp kiểm soát giá đường thông qua “công cụ” là sản xuất ethanol đang dần thay đổi tính chu kỳ của ngành Mía đường thế giới.

Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết giá bán đường của các nhà máy đường vẫn ở mức thấp, gây khó khăn cân đối giá thành sản xuất. Từ đầu năm đến 2022, giá đường bán ra của các nhà máy dao động trên dưới 18.000 - 18.400 đồng/kg đối với đường tinh luyện; 17.200 - 17.400 đồng/kg đối với đường vàng.

Thiếu nguyên vật liệu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), vùng mía nguyên liệu đã sụt giảm nghiêm trọng, lượng đường sản xuất chỉ đáp ứng khoảng hơn 1/3 nhu cầu trong nước từ năm 2019 đến nay, phần còn lại phải nhập khẩu. Niên vụ 2021-2022, sản lượng mía sản xuất ra thấp nhất trong 20 năm qua. Trong số 41 nhà máy đến nay, chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động. Ở một số địa phương, người dân bỏ mía, không chăm sóc, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm. Tuy nhiên, tại một số cánh đồng lớn của các nhà máy vẫn cần được đầu tư, chăm sóc. Do đó, các doanh nghiệp luôn rơi vào tình trạng trực chờ phải đóng cửa. Đồng thời, việc thiếu nguyên vật liệu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy đường đã phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy và nông dân trồng mía, gây bất ổn cho sự phát triển của ngành Mía đường. Thậm chí, khi gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu trong nước, các doanh nghiệp và nhà máy đường sẽ chuyển từ mua mía của nông dân, sang nhập đường thô về để tinh luyện. Và khi đó, 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn nguy cơ đóng cửa rất cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động, công nhân, nông dân... xa hơn nữa, là sẽ tiêu tan cả ngành Mía đường.

Thiệt hại từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh của “đường lậu”

Theo Hiệp hội Mía đường, trong tháng 6 và tháng 7/2022, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia, Lào đang tràn vào nước ta.

Thời điểm tháng 8/2022, đường trắng nhập lậu vào Việt Nam chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, tức là thấp hơn giá đường vàng trong nước. Cùng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu, các nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng, nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.

Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan có hành vi bán phá giá khiến ngành sản xuất ở Việt Nam đang chịu thiệt hại đáng kể...  Mỗi năm, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua khu vực biên giới Tây Nam lên tới gần 500.000 tấn, chiếm gần một nửa sản lượng đường sản xuất trong nước. Có thời điểm đường Thái Lan làm chủ thị trường, chỉ sau khi bán hết đường nhập lậu, đường của các nhà máy sản xuất trong nước mới có cửa tiêu thụ. Do đó, nếu thời gian tới, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam chỉ còn 5% và hạn ngạch bị gỡ bỏ, chắc chắn nhiều nhà máy đường trong nước sẽ phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với giá thành của đường Thái Lan. Đó là chưa tính đến lượng đường từ Braxin sau khi qua cửa Thái Lan, tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam và trở thành thách thức thật sự với ngành Đường trong nước.

Từ năm 2018 đến nay, ngành Đường nội địa đã bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại. Tháng 2/2021, sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương Việt Nam đã đánh giá thiệt hại của ngành Đường trong nước và áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời 48,88% đối với đường từ Thái Lan. Đến tháng 6/2021, Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá 42,99% và chống trợ cấp là 4,65%, tổng cộng 2 loại thuế này là 47,64%, có hiệu lực ngay sau đó và thời hạn áp dụng là 5 năm. Sau khi áp thuế trên, đường Thái Lan đã lẩn tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang 5 nước Asean là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar vào Việt Nam.

Với Campuchia, đã khẳng định Công ty Phnom Penh Sugar Co., Ltd là doanh nghiệp xuất khẩu duy nhất của Campuchia đã có hành vi lẩn tránh biện pháp Phòng vệ thương mại đang áp dụng với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Với Indonesia, Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp gian lận xuất xứ khi xuất khẩu đường sang Việt Nam, trong đó có các công ty PT. Kebun Tebu Mas; PT. Sentra Usahatama Jaya,… Cơ quan điều tra cũng kết luận Công ty MSM Prai Berhad của Malaysia đã có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Đặc biệt, Cơ quan điều tra nhận thấy có rất nhiều quốc gia không có vùng nguyên liệu trồng mía hoặc sản lượng sản xuất rất hạn chế, nhưng đang xuất khẩu số lượng lớn vào Việt Nam kể từ khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan.

Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất mía đường trong nước vẫn không thể huy động thêm công suất một cách đáng kể, mặc dù biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường từ Thái Lan đã được áp dụng.

Mặc dù đã bước vào sân chơi ATIGA, nhưng hành trang của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bởi, hiện nay trên địa bàn cả nước có 7 nhà máy đường đã dừng hoạt động và cũng chỉ có khoảng 4 đến 5 nhà máy hoạt động hiệu quả nhờ sớm có sự chuẩn bị với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan theo cam kết thực hiện ATIGA bằng việc tái cơ cấu, đầu tư khoa học công nghệ, sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

3. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Mía đường

Để giúp ngành Mía đường phát triển bền vững, các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu các mô hình trồng mía mới để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp. Đối với những vùng trồng mía không hiệu quả nhưng có thể sản xuất các loại cây trồng khác cho năng suất, chất lượng và thu nhập tốt hơn thì có thể chuyển đổi cây trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đầu tư hằng năm, có nguồn kinh phí nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa các vùng mía tập trung. Ngân hàng Nhà nước xem xét tổng thể những vùng hạn hán, thiên tai, khó khăn để khoanh, giãn nợ cho nông dân, xem xét cho vay ưu đãi đối với những nhà máy, khu vực có hiệu quả. Thủ tướng giao các cơ quan chức năng có các biện pháp về phòng vệ thương mại không trái quy định quốc tế, chống bán phá giá đối với đường lỏng và một số mặt hàng khác, tăng cường chống buôn lậu đường, chống gian lận thương mại... Đồng thời, phối hợp với các địa phương và nhà máy đường xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về: sử dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất mía; chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong sản xuất mía, đường và quản lý đường nhập khẩu; nghiên cứu áp dụng biện pháp thanh, kiểm tra sản xuất đường tại nước xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Rà soát Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu, nhằm đảm bảo tính minh bạch về chữ đường, giá mía trong quan hệ mua bán mía nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông thôn.

Các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại các doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác mía phù hợp tới hộ nông dân, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành mía nguyên liệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2014), Thông tư số 42/2014/TT-BCT ngày 18/11/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
  2. Bộ Công Thương (2015), Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 về việc quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa Asean.
  3. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022.
  4. Tân An (2022). Lộ diện 'tay to' buôn đường lậu, hủy diệt mía đường trong nước. Truy cập tại https://vietnamnet.vn/lo-dien-tay-to-buon-duong-lau-huy-diet-mia-duong-trong-nuoc-2045158.html

Strengthening the competitiveness of Vietnamese enterprises in the sugar industry in the context of the country’s international integration

Master. Tran Thi Hoa

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Vietnam's sugar Industry is facing many difficulties in the international market due to its low productivity, fragmented production and high costs. In particular, the ASEAN Trade in Goods Agreement (ATIGA) and the elimination of tariff quotas bring both opportunities and challenges for Vietnamese enterprises in the sugar industry.

Keywords: sugar industry, ATIGA, enterprises, sugar cane, dumping, integration.

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3