(CHG) Tổng cục Quản lý thị trường (ngày 5/10) đã phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) và Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc” năm 2022 tại Hà Nội
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc” năm 2022.
Tại Hội thảo, ông Kim Kwan Mook - Tổng giám đốc KOTRA cho biết, những năm qua Việt Nam và Hàn Quốc đã có sự hợp tác mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm thương hiệu Hàn Quốc đã và đang được phân phối tại thị trường Việt Nam, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Tuy nhiên, cùng sự phát triển của thị trường, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hàng hóa đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều với hình thức ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Đặc biệt, thị trường điện tử phát triển khiến việc buôn bán hàng giả càng trở phức tạp.
Trước thực trạng hàng giả lưu thông trên thị trường, gây tổn thất lớn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam khi mua, sử dụng phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ông Kim Kwan Mook đề xuất cơ quan chức năng hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Kim Kwan Mook - Tổng giám đốc KOTRA.
Cùng chung quan điểm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình nhận định, đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Thời gian qua, các lực lượng thực thi đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Quản lý thị trường đã và đang trở thành lực lượng quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, theo Phó tổng cục trưởng, dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng công tác chống hàng giả vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều nguyên nhân như: Phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ…
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo.
Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình cũng nhấn mạnh, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Do đó, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng tại hội thảo, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ cho rằng, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam. Quan hệ hợp tác hai nước phát triển nhanh đã đặt ra nhiều thách thức trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và doanh nghiệp các nước nói chung đang có hàng hóa phân phối tại thị trường Việt Nam trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đại diện Tổng công ty xúc tiến thương mại Hàn Quốc cho biết, lê tươi Hàn Quốc là mặt hàng bị mạo danh nhiều nhất trên thị trường. Rất nhiều quả lê có nguồn gốc Trung Quốc nhưng khi vào thị trường Việt Nam lại biến thành lê Hàn Quốc. Thực trạng này diễn ra trong các siêu thị, trung tâm thương mại chứ không riêng gì thị trường truyền thống.
Đại diện Công ty cổ phần Everia - chuyên sản xuất chăn ga gối đệm thương hiệu Everon cũng trăn trở, hầu hết các hãng có thương hiệu, uy tín đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.
Để phòng ngừa việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại diện Công ty Luật TNHH ROUSE Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thường xuyên thực hiện khảo sát trực tuyến và trực tiếp thị trường. Cùng với đó, sử dụng mã QR Code hoặc bộ Tem chống giả do Bộ Công an cung cấp.
Mặt khác, các doanh nghiệp phải chủ động, mạnh tay phối hợp gỡ bỏ các bài đăng xâm phạm, chặn các tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, chủ động cung cấp thông tin với cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn những cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
0
100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, từ ngọn đèn nhỏ đến ngọn lửa thời đại
(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết
Báo chí cách mạng, ngòi bút kiên cường trên mặt trận chống hàng giả, gian lận thương mại
(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết